Hồi chuông báo động đối với nền “văn hóa súng đạn” tại Mỹ

17:18, 18/12/2012

Vụ xả súng kinh hoàng tại trường Sandy Hook ở bang Connecticut, Mỹ ngày 14/12 đã trở thành “một hồi chuông báo động” và làm bùng phát những cuộc tranh luận về tầm quan trọng của việc “kiểm soát nền văn hóa súng đạn” của nước Mỹ. Hơn lúc nào hết, người dân Mỹ kêu gọi những quyết tâm chính trị và những hành động cụ thể để chặn đứng những hành vi bạo lực tương tự tái diễn.

Trong bối cảnh những nhà làm luật của Mỹ đang tham gia vào một cuộc tranh luận “với nhiều lời nói hơn hành động”, thì nhiều người dân Mỹ lại cảm thấy mệt mỏi, hay thậm chí là “vô vọng” khi bản thân họ phải trải qua quá nhiều sự mất mát có thể phòng tránh được, trong khi các nhà chức trách vẫn chưa tìm ra biện pháp khả thi để giải quyết tình trạng bạo lực lan tràn tại Mỹ.

 

Chỉ trong vòng 6 tháng qua, tại Mỹ đã diễn ra nhiều vụ xả súng bừa bãi  nhằm vào các địa điểm công cộng, cướp đi sinh mạng của nhiều thường dân vô tội. Hung thủ ngày càng trở nên táo tợn hơn, manh động hơn và nhằm vào các mục tiêu dễ bị tổn thương hơn. Chỉ tính riêng trong năm nay, tại Mỹ ít nhất 7 vụ sát hại hàng loạt, tước đi mạng sống của ít nhất 65 người. Tại Mỹ, hàng năm có tới hơn 10.000 thiệt mạng do súng đạn.

 

Chỉ mới 3 ngày trước, 3 người đã bị thiệt mạng trong một vụ xả súng nhằm vào một trung tâm thương mại ở thành phố Oregon. Hai tuần trước, một cầu thủ bóng đá đã sát hại bạn gái của mình trước khi tự sát. 5 tháng trước, 12 người đã bị thiệt mạng và 58 người khác đã bị thương trong một vụ xả súng tại một trung tâm chiếu phim ở Colorado. Thậm chí ngay sau khi vụ thảm sát tại bang Connecticut còn khiến dư luận chưa hết bàng hoàng, thì vào ngày 16/12, người Mỹ lại chứng kiến thêm một vụ xả súng khác khi thủ phạm bắn chết 1 phụ nữ rồi tự sát tại khách sạn Excalibur (Las Vegas).

 

Trên đây chỉ là một số vụ việc mới nhất và điển hình nhất phản ánh một mảng tối về thực trạng văn hóa súng đạn bừa bãi tại Mỹ. Cứ mỗi lần thảm kịch xảy ra, các nhà làm luật, các nhà chức trách địa phương lại tranh cãi về “luật kiểm soát súng và kiềm chế tình trạng bạo lực diễn biến tràn lan tại Mỹ”. Tuy nhiên, “cứ đến hẹn lại lên”, vấn đề này chỉ được khới lên và rồi sau đó lại bị lãng quên và dang dở mà không có lời giải đáp cuối cùng.

 

Trong nhiều năm trở lại đây, luật sở hữu súng tư nhân vẫn được xem là một “chủ đề nhạy cảm” đối với nước Mỹ và thậm chí còn được xem là “một tử địa” đối với nhiều nhà chính trị Mỹ. Theo các số liệu thống kê, hiện người Mỹ đang sở hữu khoảng 280 triệu khẩu súng (tương đương tỷ lệ cứ 10 người Mỹ thì có 9 khẩu súng); 30% gia đình Mỹ đang sở hữu các loại vũ khí sát thương.

 

Lịch sử nước Mỹ đã chứng minh cho thấy, “văn hóa súng đạn” không chỉ để lại nhiều hậu quả thương tâm đối với xã hội Mỹ mà còn được xem là một vấn đề nhạy cảm đối với các nhà chính trị. Trong quá khứ, bản thân đảng Dân chủ đã phải trả một cái giá đắt khi theo đuổi những nỗ lực nhằm kiểm soát súng tại Mỹ. Vào cuối thế kỷ trước, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đề ra một loạt chính sách về kiểm soát súng tại Mỹ. Và kết quả là đảng Dân chủ của ông đã thất bại tại cuộc bầu cử Quốc hội năm 1994 và cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000. Không quá khó khăn, người ta đã tìm thấy vai trò của vận động hành lang mạnh mẽ của Hiệp hội súng quốc gia (NRA) trong cả hai lần thất bại trên của đảng Dân chủ.

 

Những diễn biến trên đã tạo ra một tiền lệ xấu đối với xã hội Mỹ. Còn nhớ sau thời điểm xảy ra vụ xả súng ở rạp chiếu phim ở Denver, Colorado hồi tháng 7/2012 – chỉ vài tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều không ai sẵn lòng đưa ra các biện pháp siết chặt kiểm soát súng tại Mỹ.

 

Vụ xả súng kinh hoàng xảy ra ngày 14/12 tại trường Sandy Hook ở thành phố Newtown, bang Connecticut của Mỹ khiến 20 học sinh trong độ tuổi từ 5-10 thiệt mạng đã trở thành “một giọt nước tràn ly”, thổi bùng lên sự giận dữ mà người dân Mỹ đã kìm nén suốt bao năm qua.

 

Hành vi gây ác ngày càng manh động, công khai và táo tợn đã khiến cho người dân Mỹ không thể tiếp tục “nhắm mắt làm ngơ”. Sự việc này đã tạo ra một động lực mạnh mẽ để họ tiếp tục hối thúc các nhà chức trách tái khởi động và hoàn thiện các nỗ lực đang còn dang dở để siết chặt các quy định về kiểm soát súng đạn tại Mỹ. Ngay sau khi xảy ra vụ xả súng ngày 14/12, hơn 100.000 người đã ký tên vào đơn kiến nghị trên trang mạng “We are the people” của Nhà trắng, yêu cầu Quốc hội Mỹ lập tức hành động siết chặt quyền sở hữu súng của công dân. Thậm chí, các nhà vận động kiểm soát súng đạn tại Mỹ cũng kỳ vọng, vụ thảm sát ở trường Sandy Hook sẽ làm được điều mà những vụ khác không thể làm được, đó là “buộc Tổng thống Barack Obama phải hành động”.

 

Ngày 14/12, ngay sau khi vụ thảm sát ở Connnecticut xảy ra, Tổng thống Obama đã tỏ rõ quyết tâm chính trị nhằm chặn đứng tình trạng phổ biến súng đạn lan tràn tại Mỹ khi nhấn mạnh: “Chúng ta phải cùng nhau làm một điều gì đó ý nghĩa để tránh những thảm kịch này, cho dù hệ quả chính trị như thế nào”.

 

Ông Obama cho rằng, những thảm kịch tương tự như ngày 14/12 đã “tái diễn quá nhiều lần trên đất Mỹ” và đã đến lúc mọi người nên đặt những bất đồng về chính trị sang một bên để đưa ra những hành động có ý nghĩa để ngăn chặn những “thảm kịch tương tự”. Đây là những tuyên bố được xem là “dứt khoát và mạnh mẽ hơn” so với những lời lẽ chỉ nghiêng về “cầu nguyện và suy tư” mà ông đã đưa ra sau thảm họa xả súng tại Colorado.

 

Người dân Mỹ hiện vẫn đang trông chờ ở Tổng thống những hành động cụ thể hơn là lời nói và rõ ràng, họ có quyền đặt niềm hy vọng bởi ông Obama hiện được xem là “đang ở vị trí tối ưu nhất” để giải quyết vấn đề này, bởi ông không phải đối mặt với những áp lực cho một cuộc bầu cử Tổng thống trong tương lai (theo điều bổ sung sửa đổi Hiến pháp được thông qua ngày 27/2/1951, mỗi Tổng thống chỉ có thể được đảm nhiệm chức vụ này không quá hai nhiệm kỳ)

 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng khuyến cáo, nếu như thực sự ông Obama có quyết tâm đưa ra những biện pháp khả thi để tăng cường kiểm soát súng đạn tại Mỹ, thì nhà lãnh đạo này phải chuẩn bị sẵn tinh thần cho một chặng đường chông gai phía trước, thậm chí phải trả một giá đắt về chính trị. Bên cạnh đó, ông Obama sẽ còn phải đấu tranh tư tưởng để có thể lưu tâm đến những chính sách thắt chặt kiểm soát súng đạn tại Mỹ trong bối cảnh ông đang phải dành ưu tiên cho một loạt các vấn đề khác, cũng đang rất cam go với nước Mỹ như những nỗ lực giúp nền kinh tế Mỹ tránh va phải “vách đá tài chính” và kế hoạch cải tổ nhập cư vào năm tới.