Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh của Triều Tiên

14:02, 13/12/2012

Sau cuộc họp khẩn ngày 12/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vì cho rằng vụ phóng này vi phạm rõ ràng các nghị quyết số 1718 và 1874 của cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc, trong đó có quy định “cấm CHDCND Triều Tiên thực hiện các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo”.  

Cuộc họp khẩn của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên được diễn ra vào 10 giờ 45 phút sáng ngày 12/12 (giờ địa phương) theo yêu cầu của Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong bản thông báo do Đại sứ Ma-rốc tại Liên hợp quốc, ông Mohammed Loulichki (Ma-rốc hiện là nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 12/1/2012) gửi tới các nước thành viên có nêu rõ: “Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mời các nước thành viên tham gia vào một cuộc tham vấn không chính thức về chủ đề “Không phổ biến vũ khí hạt nhân/vấn đề CHDCND Triều Tiên”.

 

Sau phiên họp kín ngày 12/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra Bản tuyên bố ngắn gọn, trong đó lên án vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên, đồng thời khẳng định, cơ quan này sẽ “cân nhắc để đưa ra một phản ứng phù hợp trước vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh của CHDCND Triều Tiên”.

 

Năm 2006 và 2009, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua các nghị quyết cấm CHDCND Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Vài giờ trước khi diễn ra cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 12/12, Mỹ và các nước đồng minh, trong đó có Hàn Quốc và một số nước châu Âu đã công khai và mạnh mẽ kêu gọi cơ quan này đưa ra một “phản ứng và hành động trừng phạt mạnh mẽ” trước vụ phóng tên lửa của CHDCDN Triều Tiên. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa rõ liệu lần này, Trung Quốc và Nga – hai nước có quyền phủ quyết trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có chia sẻ quan điểm chung với Mỹ và các nước đồng minh hay không.

 

Trong một động thái được xem là nhằm xoa dịu “những phản ứng nôn nóng và thái độ hoài nghi của cộng đồng thế giới” trước vụ phóng ngày 12/12, Triều Tiên khẳng định việc phóng vệ tinh lên quỹ đạo hoàn toàn phù hợp với kế hoạch phát triển khoa học - công nghệ của Triều Tiên, đồng thời giúp nước này từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cải thiện cuộc sống người dân. Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ tiếp tục phát triển chương trình nghiên cứu không gian, khẳng định đây là quyền hợp pháp của Triều Tiên phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời lên án mọi chỉ trích nhằm vào vụ phóng là hành động thù địch chống Triều Tiên.

 

Được biết, đêm ngày 12/12, CHDCND Triều Tiên đã công bố một đoan video về vụ phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo. Trong khi đó, một số chuyên gia Triều Tiên cũng khẳng định, thiết bị vệ tinh này được thiết kế nhằm mục tiêu quan sát trái đất và việc Bình Nhưỡng thực hiện thành công vụ phóng, bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt là một điều đáng tự hào.

 

Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố trên của CHDCND Triều Tiên, vụ phóng ngày 12/12 đã đẩy quốc gia này vào một “tình thế bất lợi” khi vấp phải những phản ứng liên tiếp từ phía cộng đồng thế giới.

 

Từ Washington, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Tommy Vietor kêu gọi cộng đồng thế giới cần hành động nhằm gửi một thông điệp rõ ràng tới CHDCND Triều Tiên rằng “họ đã vi phạm các bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và sẽ phải đối mặt với những hậu quả thích đáng”.

 

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice, ngày 12/12 cũng chia sẻ quan điểm trên của quan chức an ninh Mỹ. Phát biểu sau phiên thảo luận kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra cùng ngày, bà Rice nhấn mạnh: “Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần hợp lực để gửi một thông điệp mạnh mẽ tới CHDCND Triều Tiên”. Theo lập luận của bà Rice, 15 nước thành viên của cơ quan quyền lực nhất Liên hợp quốc đã đưa ra phản ứng “kịp thời và mạnh mẽ” trước vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Bà Rice nói: “Vụ phóng này là một dấu hiệu khác cho thấy, bất chấp những yêu cầu rõ ràng từ phía Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, CHDCND Triều Tiên vẫn quyết tâm theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo và bỏ qua mọi nguyên tắc quốc tế”. Đưa ra nhận định về những phản ứng tiếp theo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trước vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, bà Rice cho biết, sau các vòng đàm phán, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ bước sang “giai đoạn hai, trong đó đưa ra quyết định về một phương án hành động phù hợp tiếp theo”. Ngoài ra, đại diện ngoại giao này cũng tỏ rõ ý định của Mỹ nhằm phối hợp với các nước đối tác tham gia đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và cộng đồng quốc tế về vấn đề này.

 

Cùng chung quan điểm với Mỹ, ngày 12/12, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, đồng thời nhận định rằng, hành động này có nguy cơ sẽ làm mất ổn định tình hình trong khu vực. Qua đó, NATO tuyên bố, liên minh này sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà chức trách Triều Tiên tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc và luật pháp quốc tế.

 

Bộ Ngoại giao Nga, ngày 12/12 cũng ra tuyên bố bày tỏ “sự tiếc nuối sâu sắc” trước vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Bản tuyên bố trên khẳng định, vụ phóng này đã vi phạm lập trường chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nga. Bên cạnh đó, bản tuyên bố trên kêu gọi cộng đồng thế giới cần kiềm chế đưa ra các hành động có nguy cơ khiến tình hình trở nên căng thẳng và cản trở các nỗ lực giúp tái khởi động vòng đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

 

Trong cuộc họp báo ngày 12/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng bày tỏ sự tiếc nuối trước việc CHDCND Triều Tiên đã bỏ qua lời kêu gọi và những lo ngại của cộng đồng quốc tế và tiếp tục thực hiện vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh như dự kiến. Ông Hồng Lỗi khẳng định, CHDCND Triều Tiên có nghĩa vụ tuân theo các bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, phát ngôn viên này cũng kêu gọi cơ quan quyền lực của Liên hợp quốc cần “giải quyết vấn đề một cách phù hợp để duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.