Với tư cách vừa là đối tác chiến lược, vừa là đối thủ thuộc hai cực trên chính trường thế giới, Nga và Liên minh châu Âu (EU) đều hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU lần thứ 30 diễn ra hôm 21/12 tại Brussels, Bỉ là cơ hội để hai bên tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề song phương và quốc tế vốn còn tồn tại nhiều bất đồng.
Cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên của Tổng thống Nga V.Putin kể từ khi tái đắc cử hồi tháng 5 với các nhà lãnh đạo EU càng trở nên quan trọng khi quan hệ với Nga, nhà cung cấp năng lượng chính và là đối tác thương mại chủ chốt của EU đã xấu đi nhanh chóng. Những tranh cãi về các tuyến đường ống dẫn dầu, rào cản thương mại đối với một số mặt hàng xa xỉ hay xe hơi... đã không ít phen gây sóng gió trong quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) tại Ba Lan và Séc đã khiêu khích Nga. Moscow xem đây như một mối đe dọa có thể dẫn tới tình trạng mất cân bằng chiến lược và nhiều lần thẳng thừng tuyên bố, NMD vẫn là vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ giữa Nga và EU.
Điều đáng nói là cuộc khủng hoảng nợ công đã, đang bào mòn nguồn lực của châu Âu và làm ảnh hưởng nghiêm trọng vị thế của EU trong cán cân quan hệ với Nga. EU trở nên lép vế hơn trước Nga do ngày càng phải phụ thuộc vào Moscow để đảm bảo an ninh năng lượng. Hôm 7/12, khi cả châu Âu đang run rẩy trong những ngày đầu đông khắc nghiệt, Tổng thống Putin đã phát lệnh khởi công xây dựng phần đường ống đi dưới biển Đen - một nhánh quan trọng trong tuyến dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam”. Động thái trên cùng với việc khơi dòng "Dòng chảy phương Bắc" cách đây một năm đã đã đánh dấu sự thắng lợi của Moscow trong ván bài năng lượng với Mỹ và châu Âu. Sự phụ thuộc hoàn toàn vào "Dòng chảy phương Nam" và "Dòng chảy phương Bắc" sẽ làm tăng sức mặc cả của Nga với EU trong vấn đề năng lượng khi tham gia các cuộc đàm phán.
Trong khi ước mơ đa dạng hóa nguồn cung khí đốt để bớt phụ thuộc vào Nga của châu Âu đang trở nên xa vời, thì Moscow với lợi thế của một trong những nhà cung cấp năng lượng lớn nhất thế giới đã theo đuổi một chiến lược dài hơi nhằm nâng cao vị thế trên thị trường toàn cầu. Cuộc gặp gỡ lần này tại Brussel chắc chắn sẽ đem lại không khí nồng ấm trong quan hệ Nga - EU và giúp Moscow mở khe cửa hẹp vào thị trường rộng lớn của 27 nước châu Âu. Vì thế, dẫu quan hệ giữa Nga và EU đã trải qua không ít biến cố nhưng bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn hiện nay đã buộc hai bên phải bỏ qua những bất đồng, hâm nóng quan hệ nhằm mong đạt được mục tiêu chung.