Nhật Bản: Ông S.Abê thông báo thành lập chính phủ vào ngày 26/12

09:50, 18/12/2012

Ngày 17/12, phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên tại trụ sở của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) ở Tôkiô sau khi đảng này giành chiến thắng tại cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản, Chủ tịch LDP Sindô Abê (Shinzo Abe) cho biết đang xúc tiến thành lập chính phủ mới.

Với chiến thắng ngoạn mục của LDP trong cuộc bầu cử trên, giành 294/480 ghế, một điều chắc chắn là Chủ tịch LDP Abê sẽ trở thành Thủ tướng Nhật Bản. Đây sẽ lần thứ hai ông trở lại cương vị lãnh đạo đất nước "Mặt Trời mọc", sau lần cầm quyền một năm (2006-2007) và phải từ chức vào tháng 9/2007 vì lý do sức khỏe.

 

Tại cuộc họp báo, ông Abê cho biết dự định công bố nội các mới vào ngày 26/12 với mục tiêu chính là "vượt qua các cuộc khủng hoảng" mà đất nước đang trải qua, đồng thời cam kết mở mang nền kinh tế và khôi phục sức mạnh ngoại giao của Nhật Bản.

 

Về kinh tế, ông Abê nêu rõ sau khi thành lập, chính phủ của ông sẽ nỗ lực giải quyết nạn giảm phát kinh niên trong nền kinh tế và tình trạng đồng yên tăng giá. Ông cho biết sẽ chỉ đạo các bộ trưởng ký thỏa thuận với Ngân hàng trung ương Nhật Bản để thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và đạt mục tiêu lạm phát 2%/ năm.

 

Về chính sách đối ngoại, Chủ tịch LDP khẳng định tiếp tục duy trì liên minh Nhật - Mỹ và khôi phục sức mạnh ngoại giao của Nhật Bản đã bị lu mờ trong những năm vừa qua do sự yếu kém về kinh tế và nhiều vấn đề khác. Ông Abê cho biết Mỹ có thể là nước đầu tiên ông đến thăm trên cương vị là thủ tướng sắp tới của Nhật Bản, vào khoảng cuối tháng Một hoặc đầu tháng Hai năm sau, và ông sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama (Barack Obama).

 

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Tân Hoa xã, cũng tại cuộc họp báo trên, Chủ tịch LDP Abê khẳng định quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất đối với Nhật Bản. Ông cho rằng sự căng thẳng hiện nay giữa hai nước không chỉ phá hoại quan hệ song phương, mà còn gây tổn hại đến những lợi ích quốc gia của Nhật Bản. Mặc dù không cho biết có đi thăm Trung Quốc và hội đàm cấp cao với các nhà lãnh đạo Trung Quốc hay không, song ông Abê cam kết sẽ tăng cường trao đổi thông tin với Trung Quốc nhằm cải thiện quan hệ song phương.

 

Ông Abê nêu rõ rằng cả Trung Quốc và Nhật Bản đều được lợi từ việc đầu tư của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc và cho rằng giải pháp các bên cùng thắng là thiết yếu cho quan hệ chiến lược và cùng có lợi giữa hai nước.

 

Tuy nhiên, về tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo mà Nhật Bản gọi là Xêncacư (Senkaku) và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Thủ tướng tương lai của Nhật Bản vẫn kiên quyết khẳng định chủ quyền của Nhật Bản và tuyên bố không thương lượng về vấn đề chủ quyền tại quần đảo này. Hơn nữa, ông Abê còn cho biết LDP đã cam kết "nghiên cứu" ý tưởng xây dựng một hải cảng ở Xêncacư/Điếu Ngư hoặc bố trí các quan chức nhà nước làm việc tại khu vực này nhằm tăng cường khả năng kiểm soát của Nhật Bản đối với các vùng đảo quan trọng về mặt chiến lược song không có người ở này trên Biển Hoa Đông.

 

Ngay sau khi LDP giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Hạ viện, Tổng thống Mỹ Ôbama đã gửi điện chúc mừng ông Abê và bày tỏ mong muốn hợp tác với chính phủ mới của Nhật Bản.

 

Điện mừng của ông Ôbama có đoạn viết: "Liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với chính phủ mới và nhân dân Nhật Bản về một loạt các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu quan trọng".

 

Một số nhà phân tích cho rằng chính sách đối ngoại của LDP chủ trương tăng cường khả năng phòng vệ của Nhật Bản với nòng cốt là củng cố liên minh Nhật-Mỹ, hòn đá tảng cho an ninh khu vực. Song chính quyền LDP sẽ phải xử lý khéo léo vấn đề tái bố trí Căn cứ không quân Phưtenma (Futenma) để không vấp phải những gì mà đảng Dân chủ cầm quyền vừa qua đã vấp phải.

 

Theo các nhà phân tích này, trong cương lĩnh về đối ngoại, Chủ tịch LDP Abê cũng khẳng định chính phủ mới sẽ cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga. Tuy nhiên, với những chiến lược đề ra trong cương lĩnh, dường như LDP đang vấp phải mâu thuẫn cơ bản trong đường lối đối ngoại khu vực giữa một bên là quan điểm có phần cứng rắn trong các tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ bằng chính sách tăng cường khả năng phòng vệ với một bên là cải thiện quan hệ với các nước liên quan trong tranh chấp lãnh thổ nhằm đạt mục tiêu khôi phục nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu.