Cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 17 tháng qua tại Syria đã biến thành một cuộc nội chiến với phạm vi và quy mô ngày càng lan rộng, đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông vào một tình thế nguy hiểm.
Vào thời điểm ban đầu, cuộc xung đột vũ trang chỉ được hạn chế trong phạm vi giữa lực lượng chính phủ và phe đối lập Syria bởi các cuộc giao tranh lẻ tẻ. Tuy nhiên, cùng với sự hậu thuẫn “nhiệt tình” từ phía nước ngoài, lực lượng đối lập tại Syria đang ngày càng trở nên mạnh mẽ và cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này giờ đây đã thực sự trở thành “cuộc chiến một mất một còn để giành lấy quyền kiểm soát đất nước”.
Trong năm 2012, cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria có nguy cơ bước sang một ngã rẽ mới, phức tạp hơn và nguy hiểm hơn sau khi phe nổi dậy tuyên bố thành lập tổ chức được gọi là “Liên minh dân tộc Syria (SNC)” do một lãnh tụ Hồi giáo cũ của nhà thờ Hồi giáo Umayyad ở Damascus, ông Moaz al-Khatib làm Chủ tịch. Cho đến nay, liên minh này đã được hơn 114 nước, trong đó có Anh, Pháp, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Liên đoàn Ả rập (AL)… công nhận. Theo quan điểm của các nước trên, ông al-Assad hiện đã mất quyền đại diện hợp pháp cho người dân Syria và quốc gia Trung Đông này cần phải sẵn sàng cho một giai đoạn chuyển tiếp chính trị trong trường hợp chính quyền của ông al-Assad sụp đổ. Các quốc gia và tổ chức trên xem SNC là “đại diện hợp pháp cho khát vọng của người dân Syria”, đồng thời tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ liên minh này trong việc xây dựng mối quan hệ với các quốc gia khác.
Tuy việc hình thành Liên minh đối lập Syria nhận được sự đồng thuận từ các nước bên ngoài song lại được xem là một quyết định “gây chia rẽ và tranh cãi” trong nội bộ các lực lượng đối lập tại Syria. Nhóm thánh chiến Mặt trận al-Nusra và 13 nhóm vũ trang khác thuộc phe đối lập tại Syria đã từ chối thừa nhận SNC là đại diện thực sự của người dân Syria.
Những diễn biến trên đã phần nào cho thấy vai trò của các lực lượng bên ngoài đã, đang và sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong những nỗ lực giúp “hạ hay tăng nhiệt” cuộc khủng hoảng tại Syria. Trong bối cảnh hiện nay, cả chính phủ và phe đối lập tại Syria đều đang nỗ lực để lôi kéo sự trợ giúp từ phía bên ngoài để củng cố vị trí của mình. Và, phe nào lôi kéo được nhiều sự trợ giúp từ phía bên ngoài hơn được xem là sẽ “nắm chắc phần thắng” trong cuộc chiến tại Syria.
Hiện chính phủ Syria lại đang tranh thủ tối đa sự ủng hộ từ phía các nước vốn theo đuổi quan điểm phản đối cuộc chiến tại Syria, trong đó có Nga, Trung Quốc và một số nền kinh tế đang phát triển khác. Trong khi đó, phe đối lập đang quyết tâm lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad bằng mọi giá cùng với sự hậu thuẫn tích cực từ phía Mỹ, NATO, Ả rập Xê út, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ…Những diễn biến này gần giống như những gì đã diễn ra tại Libya trước khi chính quyền của cố Tổng thống Muammar Gadhafi bị lật đổ hồi năm 2011.
Hiện nay, cộng đồng quốc tế đang cân nhắc tới cả lối thoát về mặt ngoại giao và các giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngay từ khi cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát tại Syria từ hồi tháng 3/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama luôn duy trì lập trường áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm chống lại chính quyền Damascus và gây sức ép buộc ông al-Assad phải từ chức. Sau khi gạt bỏ được những lo âu và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 2012-2016, đến giờ ông Obama đã có thể “rảnh tay để đối phó với ông al-Assad”. Bên cạnh đó, một đồng minh khác của Mỹ là Pháp hiện cũng đang nổi lên là một nước ủng hộ mạnh mẽ phe vũ trang nổi dậy tại Syria. Đầu tháng 12/2012, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền Ankara và cho triển khai 6 khẩu đội tên lửa tại khu vực biên giới tiếp giáp giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Syria với một lời lẽ biện minh “nhằm bảo vệ một quốc gia thành viên trước những mối đe dọa bạo lực từ Syria”. Không chỉ dừng lại đó, trong thời gian gần đây, NATO còn liên tiếp đưa ra lời kêu gọi nhằm hình thành “vùng cấm bay” tại khu vực miền Bắc Syria.
Về phía ông Obama, trong ngay từ những ngày đầu nhậm chức Tổng thống Mỹ từ năm 2008, nhà lãnh đạo này đã thông qua một “chính sách đối phó chiến lược” đối với khu vực Trung Đông, trong đó có đề cập đến 2 nhiệm vụ chính là: Điều chỉnh mối quan hệ giữa Washington và thế giới Ả rập; Thực hiện kế hoạch rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi chiến trường Iraq. Dựa trên nguyên tắc không tiếp tục “gây thù chuốc oán” với các nước Hồi giáo, trong suốt thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya hồi năm 2011, Mỹ đã không trực tiếp can thiệp vào tình hình quốc gia Bắc Phi này mà trên thực tế, lại ủy quyền cho NATO thực hiện các cuộc không kích tàn phá Libya, góp phần mang lại chiến thắng cho phe nổi dậy. Cũng với chiến thuật tương tự, cho tới nay, mặc dù đã đưa ra nhiều phản ứng, thậm chí là dùng những ngôn từ mạnh mẽ nhất khi đề cập tới cuộc khủng hoảng tại Syria, song Washington chưa từng áp dụng bất kỳ một hành động can thiệp quân sự nào vào tình hình quốc gia Trung Đông này. Thay vào đó, chính quyền Mỹ tuyên bố, họ chỉ trang bị cho phe nổi dậy tại Syria những thiết bị không gây sát thương, cụ thể như hệ thống viễn thông liên lạc.
Những chiến thuật mà ông Obama áp dụng tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi trong suốt thời gian qua cho thấy, tình hình đã thay đổi và nước Mỹ không thể dễ dàng đưa ra quyết định tham chiến như đã từng làm đối với Iraq hay Afghanistan. Cho dù theo đuổi một lập trường cứng rắn đối với tình hình Syria, song Tổng thống Obama không thể tham gia vào một cuộc chiến khác tại khu vực Trung Đông ngay cả khi đây đã là nhiệm kỳ cuối cùng của ông theo quy định của Hiến pháp Mỹ. Những nguyên nhân trên xuất phát từ việc, hơn bao giờ hết, chính quyền Washington đã nhận thức được tầm quan trọng của những nỗ lực nhằm làm mới chiến lược áp dụng tại khu vực Trung Đông, khôi phục thanh thế của nước Mỹ và hàn gắn mối quan hệ giữa Washington và các nước Trung Đông vốn đang lâm vào tình cảnh rối ren sau khi chìm đắm trong “cuộc cách mạng mùa xuân Ả rập”.
Tuy nhiên, tất cả những yếu tố trên cũng không thể đảm bảo rằng chính quyền Washington sẽ không sử dụng vũ lực để chống lại chính quyền Bashar al-Assad. Đặc biệt trong bối cảnh NATO, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Xê út, Qatar và phe nổi dậy tại Syria đang chờ đợi Mỹ sử dụng vũ lực để lật đổ chính quyền Tổng thống al-Assad. Chỉ có một khả năng chắc chắn rằng, chừng nào chính quyền Washington nhận thấy rằng, vẫn còn có cơ may để áp dụng những giải pháp “phi quân sự” cho cuộc khủng hoảng tại Syria thì Mỹ sẽ không “có lẽ nào lại tự đi châm ngòi để cho thùng thuốc súng tại Trung Đông phát nổ”.
Trong bối cảnh chính quyền Washington vẫn đang do dự và cân nhắc tới cả hai phương án giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria thông qua con đường ngoại giao và quân sự thì đã đến lúc, cộng đồng thế giới cần có những hành động cụ thể, nhằm hướng vấn đề vào một lối thoát an toàn hơn, ít gây tổn hại hơn cho tất cả mọi người. Cuộc khủng hoảng tại Syria hiện đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng các nước láng giềng tại khu vực Trung Đông như Iran, Iraq, Li-băng… Và một khi lực lượng Hamas, Hezbollah, Israel cũng bị lôi kéo vào vòng xoáy của cuộc xung đột này thì khu vực Trung Đông sẽ chìm trong bất ổn, đổ máu mà không còn đường thoát. Chừng nào cuộc khủng hoảng tại Syria vẫn còn tiếp diễn thì chừng đó, “thùng thuốc súng tại khu vực Trung Đông” vẫn còn trực chờ nguy cơ phát nổ.