Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi toàn cầu cam kết thực hiện công ước về Luật biển

15:22, 11/12/2012

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày ra đời Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) đã kêu gọi nỗ lực toàn cầu vận động tất cả các nước cam kết với Công ước vốn được xem là “Hiến pháp của đại dương” này.

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 67, ông Ban Ki Mun cho biết, trong những năm qua, UNCLOS ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của các nước và được xem là nền tảng pháp lý vững chắc cho trật tự, ổn định, khả năng dự báo và an ninh các đại dương. UNCLOS chi phối tất cả các khía cạnh của không gian đại dương, bao gồm việc phân định ranh giới lãnh hải, các quy định về môi trường, nghiên cứu khoa học, thương mại và giải quyết tranh chấp quốc tế liên quan các vấn đề về lãnh hải. Công ước này gần đạt được “mục tiêu phổ quát” mà ĐHĐ LHQ đề ra từ năm 1982. Tuy nhiên, các đại dương vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như: Ô nhiễm, axít hóa đại dương, việc khai thác cạn kiệt tài nguyên, cướp biển và tranh chấp lãnh hải. Để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi các nước thành viên phải nỗ lực thực hiện đầy đủ Công ước.

 

Cũng tại lễ kỷ niệm trên, Đại sứ, Phó Chủ tịch ĐHĐ LHQ Rốtni Sáclơ (Rodney Charles) cho biết: UNCLOS đã trở thành một nhân tố quan trọng của khung pháp lý quốc tế. Theo ông, thiếu một khung pháp lý toàn cầu đã dẫn tới mối đe dọa xung đột hàng hải cũng như việc khai thác vô nguyên tắc tài nguyên đại dương. Vì vậy, các nước thành viên phải thừa nhận sự phổ quát toàn cầu của Công ước này là nhiệm vụ cấp bách.

 

Hai nhà lãnh đạo đã nêu bật vai trò trung tâm mà UNCLOS sẽ đóng góp trong tương lai khi các chính phủ và thể chế trên thế giới đặt mục tiêu phát triển toàn cầu, tập trung vào sử dụng nguồn tài nguyên bền vững. Phó Chủ tịch ĐHĐ LHQ cũng nhấn mạnh, sáng kiến đại dương bổ sung mà Tổng Thư ký Ban Ki Mun đã công bố hồi tháng 8 năm nay, với mục đích hỗ trợ và tăng cường thực hiện UNCLOS. Theo ông Sáclơ, sáng kiến này đã tạo ra một tầm nhìn chiến lược cho hệ thống của LHQ để thực hiện việc ủy nhiệm nhằm bảo vệ các đại dương.