Bắc Âu bình yên trong "cơn bão" khủng hoảng

09:15, 13/01/2013

Trong lúc nhiều quốc gia láng giềng chật vật đối phó với "cơn bão" khủng hoảng kinh tế, một số nước Bắc Âu như Thụy Ðiển, Ðan Mạch, Na Uy dường như "miễn dịch" với cuộc khủng hoảng tồi tệ này. Bắc Âu như một "ốc đảo" yên bình vốn có.

Theo thống kê của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), mặc dù các quốc gia Bắc Âu có xu hướng làm việc ít giờ hơn so với các nước láng giềng phía nam, nhưng người dân tại đây vẫn được hỗ trợ rất tốt qua những khoản phúc lợi xã hội. Phụ nữ khi sinh con được nghỉ làm và được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt, như 100% lương cùng trợ cấp trong thời gian từ một đến ba năm. Ðặc biệt, giáo dục và y tế tại đây là hoàn toàn miễn phí, thậm chí tại một số trường đại học, các chương trình thạc sĩ cũng không phải trả tiền. Trong khi người dân tại một số nước khu vực Nam Âu phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ, thì tại nhiều nước Bắc Âu, lực lượng lao động lại sẵn lòng đóng những khoản thuế trực tiếp áp lên đồng lương của họ.

 

Tại Thụy Ðiển, đất nước có hệ thống phúc lợi xã hội được xem là kiểu mẫu với tên gọi "Mô hình Thụy Ðiển", một người lao động bình thường có thể kiếm được 26.633 USD/năm, cao hơn mức trung bình 22.387 USD/năm của OECD. Nhưng người dân Thụy Ðiển chỉ làm việc 1.624 giờ/năm, ít hơn so với mức 1.749 giờ/năm của OECD; số lượng người làm việc nhiều giờ cũng chỉ chiếm 1%, thấp hơn nhiều so mức trung bình 9% của hầu hết các quốc gia khác trong OECD. Theo thống kê của trang therichest.org, Thụy Ðiển có mức thuế thu nhập cao thứ hai thế giới; những người có thu nhập từ 85.841 USD/năm trở lên phải nộp mức thuế 56,6% tổng thu nhập; thuế suất cho những người có thu nhập thấp hơn cũng tới 48,3%. Tuy vậy, người dân nước này vẫn hài lòng với mức thuế cao, vì chính nguồn thu từ thuế này sẽ trở thành các khoản phúc lợi xã hội dành cho họ suốt đời. Tổ chức đánh giá tín dụng Moody’s đã xếp hạng trái phiếu Thụy Ðiển ở mức Aaa, dựa vào vị trí tài chính, khả năng phục hồi kinh tế và giảm nợ công xuất sắc của nước này.

 

Ðứng sau Thụy Ðiển về thuế thu nhập cá nhân là các nước láng giềng trong khu vực Bắc Âu như Ðan Mạch và Phần Lan. Ở Ðan Mạch, những người có thu nhập ít nhất 70.633 USD/năm phải đóng mức thuế là 55,38%. Mặc dù đã được điều chỉnh từ 62,3% năm 2008 nhằm giảm gánh nặng cho người lao động trong giai đoạn đầu khủng hoảng, nhưng hiện tại đây vẫn là mức thuế thu nhập cá nhân cao thứ ba thế giới. Ở Ðan Mạch, thậm chí quà tặng người thân nếu vượt quá ngưỡng nhất định cũng phải chịu thuế. Tại nước láng giềng Phần Lan, thuế thu nhập cá nhân tại đây cao thứ chín thế giới với mức  49,2% (trước khủng hoảng là 53,5%) đối với những người có thu nhập ít nhất 87.222 USD/năm. Hiện tại, Chính phủ Phần Lan đang xem xét kế hoạch tăng thuế mới vào năm 2015 đối với những người có thu nhập cao, các chủ sở hữu và người thừa kế nhận được hơn 1,3 triệu USD/năm.

 

Cho dù nắm trong tay những thế mạnh vượt trội hơn các quốc gia láng giềng, nhưng trong những báo cáo cuối năm 2012, Thụy Ðiển, Ðan Mạch và Phần Lan đã phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2013. Hiện Bắc Âu còn một điểm sáng kinh tế là Na Uy, một trong những quốc gia với chất lượng sống cao nhất thế giới nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Tỷ lệ thất nghiệp ở Na Uy luôn ở mức thấp, tính tới tháng 11-2012 là 3,2% và chưa từng vượt quá mức 3,3% trong năm 2012. Lương trung bình trên giờ tại Na Uy cũng thuộc hàng cao nhất thế giới với 42,38 USD/giờ, đặc biệt, khoảng cách lương giữa người công nhân có thu nhập thấp nhất và người quản lý cao cấp nhất ở công ty là rất thấp.

 

Trong các nước khu vực Bắc Âu thuộc EU, chỉ có Phần Lan và Ai-len sử dụng đồng tiền chung ơ-rô. Các đơn vị tiền tệ tại Bắc Âu gắn bó với đồng ơ-rô qua một chính sách quy đổi trong Hệ thống tiền tệ châu Âu, nhưng cũng đóng vai trò "lớp đệm" giúp khu vực này tránh khỏi những hệ quả khó khăn từ tình trạng suy thoái kinh tế khu vực. Hầu hết các quốc gia tại đây đều nằm trong danh sách các nước có chỉ số hạnh phúc, chỉ số phát triển con người cũng như chỉ số sáng tạo cao nhất thế giới. "Ốc đảo" Bắc Âu vẫn giữ được sự thanh bình và yên ả trong "cơn bão" khủng hoảng đang hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới.