Dư luận, nhất là giới chuyên môn ở Nga và Ukraine đặc biệt quan tâm tới thông tin trên tờ Financial Times của Anh số ra ngày 26/1 khi dẫn nguồn tin của Chính phủ Ukraine cho biết: Tập đoàn khí đốt quốc gia Gazprom của Nga đã yêu cầu Ukraine phải trả cho Nga 7 tỷ USD vì vi phạm các cam kết nhập khẩu khí đốt.
Được biết, Gazprom đã gửi hóa đơn trị giá 7 tỷ USD cho Ukraine, trong đó khẳng định khối lượng khí đốt mà Ukraine nhập của Nga trong năm 2012 thấp hơn so với con số nêu trong các hợp đồng đã ký giữa hai nước. Việc này diễn ra đúng thời điểm Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich chuẩn bị lên đường đi dự Diễn đàn kinh tế Davos và dự lễ ký hợp đồng khí đốt với Công ty Royal Ducht-shell.
Tờ Financial Times cho biết, tập đoàn khí đốt quốc gia Naftogaz của Ukraine không có ý định trả cho Gazprom số tiền kể trên và tuyên bố sẽ đưa vụ việc ra Tòa án trọng tài quốc tế.
Cách đây hơn 1 năm (30/8/2011), Thủ tướng Ukraine Nikolai Azarov cho biết, Kiev đã sẵn sàng khởi kiện Moskva để hủy hợp đồng mua bán khí đốt ký năm 2009 mà Ukraine cho là bất lợi cho nước này.
Khi đó, Ukraine cho rằng, mặc dù Nga đã hạ 30% giá bán khí đốt cho Ukraine (nhưng không quá 100 USD/1.000m3) sau khi hai nước ký hiệp định gia hạn sự có mặt của Hạm đội Hắc Hải Nga tại căn cứ Sevastopol của Ukraine thêm 15 năm (2017-2032), nhưng giá khởi điểm mà Nga quy định (450 USD/1.000m3) vẫn quá cao.
Nhưng Nga vẫn khẳng định, hợp đồng mua bán khí đốt đã ký với Ukraine là hợp pháp và đáp ứng các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế. Hơn 4 năm trước (19/1/2009), Gazprom đã ký với Naftogaz 2 hợp đồng về mua bán khí đốt và trung chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine sang Tây Âu giai đoạn 2009-2019. Nhưng sau đó, với sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu (từ 19/3/2012), đại diện của Ukraine đã bắt đầu đàm phán mua khí đốt của Slovakia, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bởi giá bán "nhiên liệu xanh" từ các nước thành viên Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ thấp hơn so với giá mua bán khí đốt theo hợp đồng ký năm 2009 giữa Naftogaz và Gazprom tới 30-40 USD/1.000m3. Giới truyền thông đưa tin, Kiev đã quyết định đàm phán mua khí đốt với Slovakia, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi không thuyết phục được Moskva giảm bớt giá mua khí đốt mà theo hợp đồng ký năm 2009 lên tới 416 USD/1.000m3.
Hơn 1 năm trước (tối 20/2/2012) tại Kiev, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Sergey Naryshkin cho biết, Bộ Năng lượng Nga đã chuyển cho các đồng nghiệp Ukraine dự thảo hợp đồng mới về mua bán khí đốt. Cho dù trước đó (12/1/2012), Gazprom đã bác yêu cầu của Ukraine nhằm giảm lượng khí đốt nhập khẩu mà nước này đã ký với Nga trước đó.
Được biết, Ukraine muốn giảm lượng khí đốt nhập khẩu của Nga từ 40 tỷ m3 năm 2011 xuống 27 tỷ m3 trong năm 2012, nhưng Moskva cho rằng, con số này quá thấp, đồng thời theo hợp đồng đã ký thì hai bên không được phép thay đổi quá 20% khối lượng cho phép hằng năm. Theo hợp đồng năm 2012, Nga tiếp tục cung cấp cho Ukraine 58 tỷ m3 khí đốt, vì vậy mức giảm xuống 27 tỷ m3 là vi phạm các điều khoản đã ký.
Nhưng Naftogaz lại cho rằng, Ukraine có quyền giảm lượng nhập khẩu khí đốt trong bối cảnh ngân sách quốc gia khá eo hẹp. Hơn 16 tháng trước (2/9/2011), Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov từng tuyên bố, Kiev sẽ giải thể Naftogaz và sẽ xem xét lại toàn bộ hợp đồng đã ký, trong đó có hợp đồng về mua bán và trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.
Giới truyền thông đưa tin, chiều 11/1/2012, Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp than Ukraine Yuri Boiko từng bất ngờ thông báo, năm 2012, Kiev chỉ mua của Nga 27 tỷ m3 khí đốt, nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị Gazprom, ông Aleksey Miller vẫn khẳng định, Ukraine phải thanh toán số tiền của 33 tỷ m3 khí đốt như đã thỏa thuận cho dù chỉ mua 27 tỷ m3.
Giới chuyên môn cho biết, theo hợp mua bán khí đốt ký năm 2009 và có giá trị 10 năm, hằng năm Kiev phải trả cho Moskva tối thiểu số tiền của 33 tỷ m3 "nhiên liệu xanh" bất kể khối lượng khí đốt nhận được trong năm là bao nhiêu và trong trường hợp có thay đổi, hai bên phải thông báo cho nhau trước 6 tháng.
Hơn 1 năm trước (29/12/2011), Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov từng tuyên bố, Kiev có thể đưa Nga ra một tòa án quốc tế để phân xử nếu hai bên không thể đàm phán được hợp đồng cung cấp khí đốt với giá bán thấp hơn. Thủ tướng Mykola Azarov muốn hủy hợp đồng mua bán khí đốt mà cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko đã ký năm 2009. Giới truyền thông đưa tin, việc này diễn ra sau khi Moskva từ bỏ ý tưởng lôi kéo Ukraine gia nhập Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan. Trước đó (30/6/2011), Chủ tịch Gazprom từng tuyên bố, Gazprom sẽ thảo luận về khả năng sửa đổi công thức tính giá khí đốt cho Ukraine sau khi thỏa thuận về việc sáp nhập giữa Gazprom và Naftogaz được ký kết.
Tuy là người bị cáo buộc có liên quan tới việc ký hợp đồng gây thiệt hại cho Ukraine, nhưng ngày 13/4/2011, cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko vẫn nhấn mạnh: việc thành lập liên doanh Naftogaz-Gazprom sẽ là sai lầm lớn nhất nếu việc này được Kiev thông qua.