Giới chức Pakistan từ chối thi hành lệnh bắt Thủ tướng của Tòa án tối cao

15:10, 18/01/2013

Ngày 17/1, Giám đốc văn phòng chống tham nhũng quốc gia của Pakistan Fasih Bokhari đã từ chối thi hành lệnh bắt Thủ tướng Raja Pervez Ashraf mà Tòa án tối cao nước này ban hành cách đây 2 ngày. Lý do mà ông Fasih Bokhari đưa ra là cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông Pervez Ashraf thiếu chứng cứ thuyết phục và mang màu sắc chính trị.

Đây được coi là đụng độ mới nhất giữa chính phủ và Tòa án tối cao Pakistan sau khi xảy ra vụ phế truất tư cách Thủ tướng của ông Yusuf Raza Gilani hồi tháng 6 năm ngoái. Trong buổi điều trần với Tòa án tối cao về vụ việc liên quan đến Thủ tướng Raja Pervez Ashraf, ông Fasih Bokhari còn cho biết thêm rằng, văn phòng chống tham nhũng quốc gia cần thêm thời gian để kiểm chứng lại những thông tin mới thu thập được.

 

Giám đốc văn phòng chống tham nhũng quốc gia đề xuất: nên tạm hoãn việc thi hành lệnh bắt đối với Thủ tướng và chỉ thực hiện lệnh bắt đối với một số người khác. Theo tin từ hãng AP, ông Pervez Ashraf bị cáo buộc nhận hối lộ để phê duyệt các dự án phát điện trong thời gian ông làm Bộ trưởng Bộ Năng lượng và nguồn nước từ năm 2008-2011.

 

Tuy nhiên, đến nay ông này vẫn một mực phủ nhận những cáo buộc trên. Ngoài Thủ tướng, Tòa án tối cao còn phát lệnh bắt giữ thêm 16 người khác có liên quan và yêu cầu giới chức Pakistan phải thực hiện lệnh bắt giữ trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Trước lời giải thích của ông Fasih Bokhari, Trưởng công tố viên Iftikhar Chaudhry đã có phản ứng khá gay gắt, cho đây là hành động bao che bởi trước đó, vụ án tham nhũng nhằm vào Thủ tướng đã bị “treo” trong gần 1 năm.

 

Để có tính thuyết phục hơn, ông Iftikhar Chaudry đã đề nghị văn phòng chống tham nhũng chuyển hồ sơ vụ án tới các thẩm phán trong vài ngày nữa để các thẩm phán tòa án tối cao ra quyết định cuối cùng. Quan điểm của ông Iftikhar Chaudry là không có quan chức nào ở Pakistan được quyền đứng trên luật pháp. Trong khi đó, thẩm phán Sheikh Azmat Saeed còn chỉ trích Giám đốc văn phòng chống tham nhũng quốc gia “đang giữ vai trò của luật sư bào chữa hơn là một công tố viên”.

 

Các nhà phân tích nhận định, việc Tòa án tối cao ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Pervez Ashraf khiến quốc gia Nam Á rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới trong bối cảnh vài tháng nữa là tiến hành bầu cử. Hành động này cũng được dự báo sẽ khoét sâu thêm những mối mâu thuẫn, bất đồng đang tồn tại trong lòng xã hội Pakistan.

 

Hiện, Thủ tướng Pervez Ashraf còn đang đối mặt với các cuộc biểu tình đòi từ chức do giáo sĩ Tahirul Qadri khởi xướng. Vị giáo sĩ này là một người nổi tiếng, được giới quân đội ủng hộ. Trong gần một tuần qua, giáo sĩ Tahirul Qadri đã tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố thủ đô Islamabad. Một số tờ báo nước ngoài đưa tin rằng, giáo sĩ Tahirul Qadri là nhà cải cách.

 

Nhưng theo giới phân tích, ông này chẳng qua chỉ là con rối cho quân đội vốn xưa nay đứng đằng sau nhiều vụ đảo chính ở Pakistan. Quân đội Pakistan được cho là đang muốn trì hoãn cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2013 và muốn thông qua ông Tahirul Qadri loại bỏ các đối thủ. Còn theo một số chuyên gia về Nam Á, sự bất ổn đang gia tăng ở Pakistan thực chất cũng có liên quan đến các hoạt động của Mỹ ở khu vực này.

 

Pakistan trong gần 10 năm qua đã dựa vào thế của Mỹ để chống lại các lực lượng vũ trang Hồi giáo và bình ổn quốc gia láng giềng Afghanistan. Nhưng “con dao hai mặt” của trò chơi này chính là việc Chính phủ Pakistan có thể sẽ bị Mỹ bán đứng nếu không còn tác dụng, để đổi lấy một chính phủ khác do Mỹ dựng lên. Vì thế, người ta cũng không loại trừ khả năng những gì đã và đang diễn ra trong hệ thống chính trị Pakistan trong hơn 2 năm qua là do bàn tay đạo diễn của CIA.