Hơn 50 quốc gia yêu cầu đưa cuộc khủng hoảng ở Syria ra Tòa án quốc tế

16:09, 15/01/2013

Hôm 14/1, để gửi một tín hiệu tới các nhà chức trách Syria, hơn 50 quốc gia đã yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đưa cuộc khủng hoảng ở Syria ra Tòa án quốc tế - nơi truy tố những người phạm tội diệt chủng và tội phạm chiến tranh.

Bất đồng trong lúc "nước sôi lửa bỏng"

 

Hơn 60.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nổi dậy kéo dài 21 tháng chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu từ những cuộc biểu tình hòa bình nhưng đã biến thành bạo lực sau khi các lực lượng của ông Assad đàn áp những người biểu tình.

 

Cả hai bên đều buộc tội nhau là tàn bạo nhưng Liên hợp quốc cho biết chính phủ Syria và liên minh của họ có tội nhiều hơn. Người phụ trách nhân quyền Navi Pillay của Liên hợp quốc cũng kêu gọi Syria được đưa ra Tòa án tội phạm quố tế.

 

“Tình hình ở đây chỉ có trở nên tồi tệ hơn, những cuộc tấn công vào thường dân và những vụ tàn sát gần như đã trở thành điều bình thường” – một đoạn trong bức thư Thụy Sĩ gửi khi thay mặt hơn 50 quốc gia.

 

Các cường quốc chưa nhất trí được cách ngăn chặn bạo lực leo thang ở Syria và Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên dường như chưa thể đưa tình hình ở Syria tới Tòa án quốc tế - một tổ chức không phải là cơ quan chính thức của Liên hợp quốc.

 

Các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an là Nga và Trung Quốc đã bảo vệ Syria khi liên tục ngăn cản những nỗ lực của phương Tây nhằm có những hành động mạnh mẽ hơn của  Liên hợp quốc ví dụ như áp dụng các cấm vận đối với chính phủ Syria nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh.

 

Không còn sự lựa chọn nào khác

 

Bức thư trên cho biết “ít nhất, hội đồng nên đưa ra một thông điệp rõ ràng thúc giục các nhà chức trách Syria và tất cả các bên khác tôn trọng đầy đủ luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế trong cuộc xung đột đang diễn ra” và nói thêm rằng Hội đồng Bảo an nên tuyên bố rằng “sẽ đưa tình hình ra Tòa án quốc tế trừ khi có một tiến trình tin cậy, công bằng và độc lập được thiết lập đúng lúc”.

 

Syria không nằm trong quy chế Rome – quy chế thành lập nên Tòa án tội phạm quốc tế - do đó cách duy nhất để tòa an này có thể điều tra tình hình là họ phải nhận được một đề nghị từ Hội đồng Bảo an. Hội đồng này trước đây đã từng đưa các cuộc xung đột ở Libya và Darfur, Sudan ra tòa án trên.

 

Đại sứ hòa bình quốc tế Lakhdar Brahimi đã không thành công khi cố gắng khiến cho Nga và Mỹ thống nhất về cách chấm dứt bạo lực ở Syria. Ông Brahimi nói rằng điểm mấu chốt của vấn đề là ông Assad. Mỹ, các nước châu Âu và A rập khẳng định rằng ông Assad phải từ chức để chấm dứt chiến tranh, trong khi đó Nga nói rằng việc ra đi của ông Assad không thể là một điều kiện tiên quyết cho một thỏa thuận hòa bình.

 

Người tiền nhiệm của ông Brahimi là cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã cảnh báo hôm qua rằng nếu không có đề xuất chính trị nào được tiến hành thì sẽ xảy ra sự bế tắc. Ông Annan trách Hội đồng Bảo an đã cản trở đề xuất 6 tháng làm trung gian hòa giải của ông và dẫn đến việc ông quyết định từ chức.

 

“Những người nói rằng sự hòa giải là phí thời gian và không đưa ra một sự lựa chọn nào khác, họ đang hy vọng có một sự can thiệp, nhưng tôi không thấy nước nào đứng ra để can thiệp” – ông Annan nói với các phóng viên – “Tình hình có thể trở thành một cuộc chiến tranh giáo phái và Syria có thể bùng nổ vượt quá đường biên giới của mình”.

 

Hôm qua, các nhà chức trách cũng cho biết một quả pháo, được cho là bắn đi từ Syria, đã rơi xuống một cánh đồng ở Thổ Nhĩ Kỳ gần một trại tị nạn có hàng ngàn người Syria trú ngụ dọc theo đường biên giới nhưng không gây ra thương vong.