Ngày 23/1, với 285 phiếu thuận, 144 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua “Dự luật không có ngân sách sẽ không có lương 2013”, theo đó cho phép Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục được vay tiền để chi tiêu cho tới ngày 19/5.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật này nhằm bảo đảm việc thanh toán đầy đủ và kịp thời các khoản nợ của Chính phủ cũng như giải quyết sớm nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế Mỹ trong thời gian 3 tháng. Đây cũng là một cách để Nhà trắng có trách nhiệm hơn về vấn đề tài chính công. Vì thế, nợ công của Mỹ đang trở thành vấn đề “nóng” trước dự báo “vách đá tài chính” mới đang hình thành.
Nguy cơ vượt trần vẫn hiện hữu
Cách đây hơn 10 năm, nước Mỹ có thặng dư ngân sách 128,2 tỷ USD, nợ công vẫn nằm trong giới hạn 35% GDP. Tuy nhiên, những năm gần khủng hoảng tài chính thế giới đã làm trầm trọng tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công của nước Mỹ. Để cứu nền kinh tế Mỹ, chính quyền của Tổng thống Obama phải tiếp tục tung ra hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế thông qua các gói kích thích nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.
Trong bối cảnh đó, Mỹ buộc phải tiếp tục phát hành trái phiếu chính phủ, nhưng giải pháp tạm thời ấy lại được áp dụng một cách thường xuyên và tần suất ngày tăng cao, với 81 lần nâng trần nợ công tính từ năm 1917-2011.
Từ năm 1962-2011, Quốc hội Mỹ đã 75 lần điều chỉnh ngưỡng an toàn với nợ công. Trong vòng 87 năm (1913-2001), Mỹ đã phát hành lượng trái phiếu trị giá khoảng 6.000 tỷ USD, nhưng chỉ trong 5 năm sau đó (đến cuối năm 2006), con số này đã lên tới 8.600 tỷ USD. Kể từ khi nắm quyền đến nay, Tổng thống Obama đã phải 2 lần ký đạo luật nâng trần nợ công (2009: 1.900 tỷ USD; 2011: 2.400 tỷ USD) và đến tháng 5-2013 có thể lại phải nâng trần nợ công một lần nữa để mở đường cho Mỹ tiếp tục phát hành trái phiếu vay nợ.
Các gói kích thích kinh tế hiệu quả chưa cao
Ngay từ tháng 11/2008, sau cuộc khủng hoảng tài chính, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tung ra gói kích thích đầu tiên (QE1) để có thể thúc đẩy nền kinh tế.
Ngày 9/9/2011, Tổng thống Mỹ Obama đã công bố kế hoạch kích thích nền kinh tế Mỹ trị giá 447 tỷ USD. Ðây là gói kích thích lớn, có thể gọi là “QE2 rưỡi” được Nhà Trắng đưa ra.
Ngày 13/9/2012, FED đã tung ra gói QE3 và cam kết sẽ giữ lãi suất ngắn hạn ở mức gần 0% ít nhất là cho đến giữa năm 2015, đồng thời sẽ mua vào 40 tỷ USD tài sản mỗi tháng và việc nới lỏng định lượng này sẽ là không giới hạn. Đây là sự thay đổi quan trọng so với hai gói QE trước.
Ngày 13/12/2012, FED lại công bố sẽ tung ra gói kích thích kinh tế QE4 vào đầu năm 2013. Theo đó, FED mở rộng chương trình mua tài sản thêm 45 tỷ USD/tháng kể từ 1/1/2013 nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Lần đầu tiên FED liên hệ triển vọng lãi suất với tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng FED không nên thực hiện quá nhiều QE bởi các gói nới lỏng định lượng mới sẽ không hiệu quả và có thể còn gây ra những rủi ro cho nền kinh tế và có thể sẽ “lợi bất cập hại”.
Phần lớn các chuyên gia và tổ chức quốc tế đều cho rằng, tăng trần nợ công chỉ là giải pháp tức thời, nước Mỹ cần có chiến lược củng cố tài chính toàn diện, cân đối, mạnh mẽ và đáng tin cậy nhằm bình ổn và cắt giảm nợ công. Giới phân tích còn cho rằng, phương án cắt giảm mạnh các chương trình xã hội không hề đơn giản do chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ. Muốn trả được nợ, Mỹ phải dựa vào các nguồn thu từ thuế, nhất là thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh…, mà điều này chỉ có được khi Mỹ duy trì được sức mạnh kinh tế.
Niềm tin của thị trường vẫn chưa được khôi phục thực sự?
Năm 2013 kinh tế Mỹ chỉ được dự báo tăng trưởng 2,0%. Các nhà phân tích cho rằng, Mỹ khó tránh khỏi những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt, điều này có thể gây ra một cuộc suy thoái mới cho nền kinh tế. Những lo lắng về “vách đá tài chính” cũ đã vượt qua, nhưng niềm tin của thị trường vẫn chưa được khôi phục.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự báo trong 10 năm tới nền kinh tế Mỹ sẽ bị thâm hụt thêm khoảng 4.000 tỷ USD. Các tổ chức và chuyên gia kinh tế Mỹ cho rằng, Mỹ cần nhiều thời gian và tiền hơn nữa để tái khởi động nền kinh tế, có thể là 3-5 năm, thậm chí lâu hơn để giải quyết những hậu quả kéo dài của khủng hoảng tài chính.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không có những thay đổi triệt để, các chương trình chăm sóc y tế, an sinh xã hội như hiện nay sẽ ngốn khá nhiều ngân sách của Mỹ trong các năm tới, khi các động lực tăng trưởng kinh tế suy giảm. Và có thể hệ quả là, Mỹ sẽ đối mặt với một tương lai nhiều thách thức khó lường, nhất là nguy cơ bị các đối thủ tiềm tàng cạnh tranh vị thế cường quốc số một thế giới hiện nay.
Như vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nguy cơ tái khủng hoảng tài chính vẫn đang rình rập, kinh tế Mỹ vẫn chưa thực sự thoát khỏi vòng suy thoái, việc giải quyết nợ công của Mỹ sẽ còn khó khăn. Người ta chỉ còn hy vọng khi nào Mỹ hoàn thành quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, mức tăng trưởng ổn định trở lại, khi đó vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công mới được giải quyết căn bản. Vì thế, nợ công của Mỹ vẫn là vấn đề nan giải, việc tìm ra đáp án cho bài toán khó này có thể phải cần đến một thời gian dài.