Một nhóm hơn 50 quốc gia, ngày 14/1, đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chuyển cuộc khủng hoảng tại Syria đến xét xử trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nhằm phát đi một “thông điệp mạnh mẽ” tới các phe phái tại quốc gia này vì đã phạm phải “tội diệt chủng và tội ác chiến tranh”.
Ngày 14/1, Thụy Sĩ đã thay mặt nhóm 50 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Anh, Pháp… gửi thư yêu cầu lên Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1/2013, ông Masood Khan về việc đưa vấn đề Syria lên xét xử trước ICC.
Hãng tin AP dẫn lời một phát ngôn viên của phái đoàn Thụy Sĩ tại Liên hợp quốc, ông Adrian Sollberger cho biết, Thụy Sĩ lần đầu tiên đưa ra đề xuất trên vào tháng 6/2012 và cho đến nay đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới – tức là có đủ “sức nặng về mặt chính trị” để hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hành động.
Bức thư trên dẫn tài liệu từ một kênh của Liên hợp quốc cho biết, lực lượng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã thực hiện nhiều vụ tra tấn, hành quyết và bạo lực tình dục kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria bùng phát từ hồi tháng 3/2011. Qua đó, các nước trên đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “bật đèn xanh” để ICC có thể tiến hành điều tra về các hành vi tội ác của chính quyền Damascus. Theo quan điểm của nhóm các nước trên, hành động trên sẽ giúp gửi một thông điệp cảnh báo mạnh mẽ tới các phe phái tại Syria, đồng thời kêu gọi họ tuân thủ theo luật pháp quốc tế.
Bức thư dẫn số liệu thống kê mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy, cuộc khủng hoảng bùng phát tại Syria từ tháng 3/2012 cho tới nay đã khiến ít nhất 60.000 người thiệt mạng. Hiện cả phe chính phủ và lực lượng nổi dậy đều đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân gây nên tình trạng đổ máu tại Syria. Tuy nhiên, nhóm các nước trên cho rằng, chính quyền Damascus và các nước đồng minh chính là “các đối tượng phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trước tình trạng bạo lực leo thang tại Syria”.
Bức thư trên có đoạn viết: “Chúng tôi duy trì một quan điểm vững chắc rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải đảm bảo rằng những đối tượng đã, đang và sẽ tiếp tục gây nên các hành vi tội ác tại Syria sẽ bị trả giá. Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng cần phát đi một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng tới các nhà chức trách Syria…Các cuộc xung đột trên bộ tại Syria đang ngày càng trở nên khốc liệt. Các cuộc bạo lực, tấn công vào dân thường đang ngày càng trở nên phổ biến tại quốc gia này… Chí ít, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần phát đi một thông điệp rõ ràng nhằm hối thúc tất cả các bên tại Syria tôn trọng triệt để các nguyên tắc quốc tế về nhân quyền và nhân đạo trong khi trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột tại Syria…Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần công bố rõ ràng ý định đưa vấn đề Syria lên ICC, trừ khi những nỗ lực nhằm hướng tới sự công bằng, độc lập và đáng tin cậy được hình thành kịp thời”.
Syria không phải là một nước được hưởng Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế. Do đó, việc nhận được sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cách duy nhất để ICC có thể tiến hành điều tra về tình hình Syria. Trước đây, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã đề nghị ICC điều tra các cuộc xung đột tại Libya, Darfur và Sudan.