Theo LHQ, cuộc xung đột ở Xy-ri kéo dài gần hai năm qua đã làm hàng chục nghìn người chết và hàng triệu người buộc phải chạy nạn. Chiến tranh không chỉ gây ra thiệt hại về người, mà còn là nguyên nhân làm cho những di sản văn hóa thế giới ở nước này bị hủy hoại.
Thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) cho thấy, ở Xy-ri có sáu di sản văn hóa thế giới. Ðứng đầu danh sách là thành phố cổ Pan-mai-ra, cách Ða-mát khoảng 215 km về phía đông-bắc, từng là điểm dừng chân quen thuộc của các đoàn du lịch và được ví như "cô dâu của sa mạc". Ngoài ra còn có các thành cổ tại A-lép-pô, Bô-xra, Ða-mát, làng cổ bắc Xy-ri lộng lẫy, giàu có thời xưa. Tuy nhiên, những di tích quý giá ấy giờ đây đã biến thành chiến trường giữa quân Chính phủ Xy-ri và phe nổi dậy, một bức tranh chắp vá bằng các vũ khí quân sự hiện đại trên nền là những ngôi làng và nhà thờ đổ nát thời đế quốc Hy Lạp cách đây gần 1700 năm. Theo các nhà khảo cổ, Xy-ri là đầu mối quan trọng trong việc tìm hiểu sự phát triển của thời đại đồ sắt và lịch sử đạo Hồi, đạo Do Thái, đồng thời lưu giữ nhiều cổ vật từ thời Hy Lạp, La Mã và đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ cổ. Ðiển hình là Ða-mát, một trong những thành phố có người ở lâu đời nhất, hoặc làng Ma-lu-la cách đó 56 km về phía đông-bắc, nơi duy nhất trên thế giới còn sử dụng tiếng A-ra-mít cổ, người theo đạo gọi là "ngôn ngữ của Chúa".
UNESCO dự kiến đưa thêm 12 di sản văn hóa tại Xy-ri lên cấp thế giới, nhưng phần lớn những nơi này đã hư hại và đang đứng trước nguy cơ bị cướp bóc, tàn phá hoàn toàn. Dọc dãy núi Da-uy-a là mạng lưới gồm 600 thị trấn cổ không người ở từ thế kỷ thứ VIII. Khu di tích này vẫn còn gần như nguyên vẹn, mang theo những bí ẩn về việc đột ngột bị bỏ lại hoàn toàn. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng Chính phủ và phe chống đối đã biến nơi này thành địa điểm thực hành bắn rốc-két và pháo hạng nặng, những bức tường cổ cũng được vẽ cờ và viết khẩu hiệu chính trị. Mặc dù hiện nay, phe đối lập đã kiểm soát toàn bộ Da-uy-a, nhưng các cuộc tiến công vẫn tiếp tục đe dọa cuộc sống của người dân địa phương và các khu làng cổ. Các khu chợ, nhà thờ, những đoạn tường cổ tại A-lép-pô cũng ở tình trạng tương tự: bị đánh bom, đốt cháy và bắn phá tan hoang. Lực lượng hai bên xây dựng cơ sở ngay trong các khu di tích và giao tranh giữa các khu kiến trúc cổ cần bảo tồn.
Không những vậy, một số khu di tích lại bị cố tình phá hoại. Tổng cục Khảo cổ tại Ða-ra, thành phố gần bờ sông Gioóc-đan, đã ghi nhận nhiều hành vi phá hoại có chủ đích và những cuộc khai quật lén lút suốt hai năm xung đột tại Xy-ri. Tại bảo tàng An Nu-man Ma-rát, bắc Xy-ri, nơi lưu giữ các bộ sưu tập tranh khảm đá Trung Ðông cổ xưa nhất, tất cả các cổ vật di chuyển được đều bị đánh cắp, số còn lại bị hủy hoại hoàn toàn. Khu di sản văn hóa quốc tế nổi tiếng Pan-mai-ra vừa là địa điểm giao tranh quân sự, vừa là "mỏ vàng" cho những kẻ trộm cắp cổ vật chuyên nghiệp. Những cuộc khai quật kiểu này không chỉ gây thiệt hại cho các di sản, mà còn xóa sạch những thông tin lịch sử mang tính khảo cổ tại các khu di tích. Thông thường, khi có giao tranh quân sự, các nhóm buôn lậu sẽ thuê xe tải chuyển cổ vật qua hàng rào an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ sát biên giới Li-băng. Theo người dân địa phương, những người này không phải quân đội Chính phủ và phe chống đối, mà là các cá nhân và băng nhóm vũ trang, tự xưng là "những chiến binh bảo vệ cổ vật". Thống kê cho thấy, một số cổ vật bị đánh cắp nằm trong danh sách "truy nã" của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), trong đó có bức tượng vàng A-ra-mít từ thế kỷ thứ VIII, bị lấy cắp năm 2011 từ Bảo tàng Ha-ma.
Bộ Văn hóa Xy-ri đã ký một thỏa thuận quốc tế nhằm bảo tồn các di sản. Phe đối lập cũng đưa quân tới từng khu vực, với ý đồ chống nạn trộm cắp cổ vật đang hoành hành tại đây. Tuy nhiên, nếu giao tranh quân sự không chấm dứt, các máy bay chiến đấu và xe tăng mỗi ngày vẫn tiếp tục bắn rốc-két và đạn pháo hạng nặng vào các khu bảo tồn, lúc đó tất cả những biện pháp bảo vệ sẽ thành vô nghĩa.