Bức tranh an ninh u ám bao phủ châu Phi

09:35, 24/02/2013

Vấn đề an ninh luôn được đặt ưu tiên lên hàng đầu của Liên minh châu Phi (AU). Thế nhưng châu lục này dường như chưa thành công trong các đợt triển khai quân sự tại các điểm nóng. Năm 2013, cuộc chiến ở Ma-li đã phủ bóng đen lên bức tranh an ninh châu Phi và qua đó bộc lộ sự bế tắc trong việc giải quyết các vấn đề của châu lục.

Khó khăn tài chính khiến các nước châu Phi "lực bất tòng tâm" trong việc tự giải quyết các vấn đề của mình. Ða số các nước cận sa mạc Xa-ha-ra vẫn  thuộc danh sách các nước nghèo nhất thế giới, trong đó nhiều nước không đủ khả năng tuân thủ các cam kết cung cấp ngân sách và binh sĩ cho các nỗ lực hòa bình ở khu vực. Gần một năm sau khi xảy ra cuộc đảo chính ở Ma-li hồi tháng 3-2012, các nhà lãnh đạo Tây Phi vẫn tiếp tục phải thảo luận kế hoạch đưa lực lượng tới Ma-li cũng như tìm kiếm nguồn tài trợ ngân sách ở khu vực và quốc tế. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Ph.La-li-ốt, các lực lượng ở Ma-li cần khoảng 120 triệu ơ-rô và lực lượng can thiệp của châu Phi tại Ma-li (AFISMA) cần khoảng 220 triệu ơ-rô để tiến hành các hoạt động bảo đảm an ninh trong khu vực trong năm 2013.

 

Sau khi Pháp can thiệp quân sự ở Ma-li, các nhà lãnh đạo Tây Phi kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia rộng rãi nhất chiến dịch quân sự ở Ma-li nhằm chống khủng bố. Nhiều nước châu Phi đã cam kết đưa quân đến quốc gia Tây Phi này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tính hiệu quả tác chiến của các lực lượng của Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) chống lực lượng Hồi giáo vũ trang vẫn chưa có câu trả lời. Quân đội các nước châu Phi thường không được đào tạo bài bản, trang bị thiếu thốn, thiếu tính tổ chức và kỷ luật. Trong khi đó, công tác đào tạo, huấn luyện lại phụ thuộc bên ngoài, phần lớn là các nước phương Tây. Theo kế hoạch được Tham mưu trưởng quân đội ECOWAS thông qua, quân đội Ma-li phải được đào tạo và trang bị lại để chiến đấu ở tuyến đầu, còn lực lượng quốc tế hỗ trợ phía sau. Ðể đạt mục tiêu trên, các nước đồng minh của Ma-li hỗ trợ về công tác tình báo, Liên hiệp châu Âu (EU) hỗ trợ đào tạo. Theo kế hoạch, hỗ trợ của EU kéo dài trong 15 tháng và tiêu tốn khoảng 12 triệu ơ-rô. Phái bộ của EU dự kiến khoảng 500 nhân viên phi tác chiến với mục tiêu cung cấp cho binh sĩ Ma-li kiến thức về chỉ huy và kiểm soát, dây chuyền hậu cần và nguồn nhân lực, nhân quyền, bảo vệ dân thường.

 

Chiến dịch quân sự của Pháp ở Ma-li sắp kết thúc, song cuộc chiến chống khủng bố ở nước này cũng như ở khu vực Tây Phi được dự báo còn kéo dài.  Việc các nước châu Phi không đủ khả năng ứng phó tình hình đã "tạo điều kiện" để bên ngoài can thiệp sâu vào khu vực giàu tài nguyên. Các cuộc tiến công bằng máy bay không người lái của Mỹ sẽ được tăng cường ở khu vực này. Ðây là một dấu hiệu xấu khi "phương án gây thiệt hại ít nhất" lại từng làm hàng trăm dân thường chết trong các chiến dịch. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú hầu như chưa được khai thác như vàng, măng-gan, đồng ở các nước Ma-li, Mô-ri-ta-ni, Cốt Ði-voa, Ghi-nê, Buốc-ki-na Pha-xô, Tây Phi đứng trước ý đồ quân sự hóa vùng tài nguyên của phương Tây. Thời gian gần đây, tại miền bắc Ma-li đã phát hiện ra những mỏ dầu lớn. Sau khi Pháp can thiệp Ma-li, nhiều nước phương Tây khác tuy không tham gia tuyến đầu, nhưng muốn đứng sau "sân khấu can thiệp" bằng các họat động hỗ trợ hậu cần, huấn luyện. Việc các nước đổ xô tới châu Phi, núp dưới danh nghĩa chống khủng bố và khôi phục dân chủ, đang biến khu vực này trở thành miếng bánh bị tranh giành. Chính Thủ tướng Anh Ca-mê-rôn mới đây cảnh báo nguy cơ bắt đầu một thập kỷ chiến tranh ở châu Phi.

 

Những gì đã xảy ra ở nhiều nước Trung Ðông, Bắc Phi như I-rắc, Xy-ri, Li-bi cho thấy, khu vực có vị trí địa-chính trị chiến lược quan trọng và giàu tài nguyên không thể thoát khỏi "tầm ngắm" của các cường quốc. Sự can thiệp của bên ngoài càng đặt châu Phi trước nhiều thách thức và khiến châu lục này khó có thể tự giải quyết các vấn đề của mình.