Congo: Lực lượng nổi dậy dự định ký thỏa thuận hòa bình

13:17, 05/02/2013

Trong một diễn biến mới về tình hình chính trị tại Congo, vào cuối tuần qua, lực lượng nổi dậy ở Cộng hòa Congo (M23) cho biết, nhóm này có kế hoạch ký thỏa thuận hòa bình với Chính phủ Congo vào cuối tháng 2 này, nhằm chấm dứt 10 tháng nổi dậy của họ.      

Người phát ngôn của M23 Bertrand Bisimwa vào cuối tuần qua cho biết: “Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm, tuy nhiên, với tốc độ này, tôi nghĩ có thể hoàn tất vào cuối tháng 2. Chúng tôi sẽ kết thúc các buổi đối thoại và ký vào bản thỏa thuận”.
 
 
Tuy nhiên, Chính phủ Congo tỏ ra ít lạc quan về kết quả của các cuộc đàm phán hòa bình đang được tổ chức tại thủ đô Kampala của Uganda.
 
 
Người phát ngôn của Chính phủ Congo Lambert Mende cho biết: “Chúng tôi đã hi vọng rằng các cuộc đối thoại có thể kết thúc vào cuối tháng 2, tuy nhiên, M23 đã có nhiều thêm nhiều yêu cầu thất thường làm cho tiến trình này bị chậm lại”.
 
 
Các cuộc đối thoại hòa bình giữa Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo và lực lượng M23 đã bị tạm hoãn vào ngày 21/12 sau gần hai tuần bắt đầu đàm phán. Tuy nhiên, cả hai bên đã nhất trí nối lại đàm phán vào tháng 1 vừa qua để bàn về một loạt các vấn đề kinh tế, chính trị và an ninh giữa hai nước.
 
 
Trước đó, ngày 8/1, lực lượng M23 đã đơn phương tuyên bố ngừng bắn trước khi vòng đàm phán thứ hai với Chính phủ Congo được diễn ra ở Kampala, Uganda.
 
 
Tuyên bố này làm tăng hi vọng rằng, cuộc xung đột ở miền đông Cộng hòa Congo có thể tiến đến một giải pháp hòa bình dưới sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo thuộc khu vực Vùng Hồ lớn.
 
 
Thư ký Điều hành của M23 đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán M23 Francois Rucogoza cho biết, họ sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình cho dù có hay không có sự ký kết thỏa thuận ngừng bắn của Chính phủ Congo.
 
 
Tuy nhiên, phía chính phủ bày tỏ hoài nghi về việc M23 thực hiện tuyên bố ngừng bắn. Theo người phát ngôn của Chính phủ, ông Lambert Mende, vòng đàm phán đầu tiên trong tháng 12/2012 nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy của nhóm M23 kéo dài 9 tháng qua tại khu vực miền đông đã không đạt kết quả.
 
 
Kể từ tháng 5/2012, có hơn 900.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa ở miền đông Congo. Phần lớn những người này chỉ di cư ở trong nước. Tuy nhiên, cũng có hàng chục nghìn người phải lánh nạn tại các nước láng giềng Rwanda và Uganda.
 
 
Trong vài thập kỷ trở lại đây, Congo phải đối mặt với nhiều vấn đề như nghèo đói, cơ sở hạ tầng tồi tàn và cuộc chiến tranh ở miền đông đất nước kéo dài từ năm 1998 và đã khiến 5,5 triệu người thiệt mạng.