Mỹ có thể đứng đầu thế giới về khai thác dầu khí

10:01, 20/02/2013

Nhờ sở hữu công nghệ khai thác các nguồn năng lượng từ những mỏ đá phiến, Mỹ có khả năng trở thành quốc gia có sản lượng khai thác dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới.                      

Nhà kinh tế trưởng của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), ông Phatri Birôn (Fatih Birol) đã đưa ra dự báo trên ngày 18/2 khi phát biểu tại "Tuần lễ dầu mỏ quốc tế 2013" (International Petroleum Week), đang diễn ra tại thủ đô Luân Đôn (London, Anh).

 

Theo ông Birôn, thế giới đang trải qua giai đoạn thay đổi về địa chính trị nên phải đối mặt với những khó khăn nhất định và một số nước không thể xuất khẩu khối lượng dầu khí lớn như trước đây. Nếu trong năm 2012, Irắc không cung cấp cho thị trường quốc tế 3 triệu thùng/ngày thì có thể thế giới đã phải chứng kiến cảnh giá "vàng đen" dao động mạnh, song nguồn cung từ nước này đang đối mặt với nguy cơ bị gián đoạn do tình hình chính trị bất ổn gia tăng.

 

Tuy nhiên, ông Birôn cho rằng thế giới cũng không nên quá lo lắng vì trong vòng 5 năm tới, khối lượng khai thác dầu đá phiến ở Mỹ sẽ tăng mạnh, lên mức 3 triệu thùng/ngày. Sau 5 năm tiếp theo, Mỹ có thể "qua mặt" Arập Xêút và Nga, để trở thành quốc gia có sản lượng khai thác dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới. Ngoài Mỹ, hàng loạt các nước khác trên thế giới cũng muốn gia nhập "nhóm" khai thác dầu đá phiến như Canađa, Trung Quốc, Áchentina, Mêhicô và thậm chí cả Nga.