Thế giới đón chào năm 2013 rực rỡ cờ hoa cùng những màn pháo hoa lộng lẫy và những khát vọng cháy bỏng của hàng tỉ người về một năm mới an lành, thịnh vượng, về một cuộc sống tươi đẹp, hòa bình, ổn định và phát triển.
Sau những ngày tưng bừng và sôi động, điềm tĩnh lại để nhìn nhận, ta sẽ thấy, bước vào năm 2013, bức tranh thế giới đương đại có những nét nổi bật đậm màu tương phản.
1. Kinh tế thế giới bấp bênh
Nhìn chung, gam màu kinh tế thế giới năm 2013 vẫn là màu xám. Năm năm sau cơn “siêu địa chấn” tài chính thế giới 2008, kinh tế toàn cầu vẫn đang ngổn ngang với nhiều bất ổn. Sự phục hồi kinh tế trên phạm vi toàn thế giới vẫn mong manh và chưa rõ rệt. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế đã được ghi nhận ở một vài nước phát triển, song các nền kinh tế đó vẫn bị yếu đi đáng kể và tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro trong năm 2013.
Tại Mỹ, sau 17 tháng tranh luận và 17 giờ cãi lộn từ cuối năm cho tới đầu năm mới, giới lãnh đạo Mỹ đã bắt tay nhau để tạm thời tránh được một vực thẳm ngân sách với việc tăng thuế đối với người giàu nhưng vẫn phải tăng chi. Khi giới chủ bị đánh thuế cao hơn sẽ dẫn tới kết cục là họ sẽ dồn gánh nặng thuế đó cho những người tiêu thụ hoặc sẽ giảm bớt việc tuyển thêm người, làm cho sản xuất bị ngưng trệ và nạn thất nghiệp lại gia tăng.
Sự phục hồi kinh tế của Mỹ chậm chạp và dễ bị tổn thương còn do tác động tiêu cực của hệ thống tài chính của khu vực đồng euro (Erozone). Châu Âu vẫn đang đứng trên bờ vực suy thoái với tăng trưởng của một số thành viên đã, đang và sẽ bị “cài số lùi” trong vài năm nữa. Khủng hoảng nợ của nhiều nước từ Hy Lạp đến Tây Ban Nha, Italy đã đưa tới nhiều xáo trộn xã hội, ảnh hưởng tới nền kinh tế không chỉ ở châu Âu mà còn tới Mỹ và toàn cầu.
Châu Á mấy năm trước vốn là động lực tăng trưởng của thế giới thì nay đang gặp nhiều khó khăn với các hoạt động thương mại, đặc biệt là xuất khẩu bị suy giảm. Các nước Mỹ Latinh cũng bị ảnh hưởng nhiều từ Mỹ và châu Âu. Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và các nền kinh tế mở, hoạt động kinh tế vĩ mô của một nước ngày càng chịu tác động bởi những tiến triển ở bên ngoài và các chính sách ở các nước khác. Điều đó đòi hỏi tất cả các nền kinh tế đều phải có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục những yếu kém của mình, tạo sự cộng hưởng đưa nền kinh tế thế giới tiếp tục phát triển đi lên.
2. Tình hình chính trị phức tạp
Sau hai năm “Mùa xuân Ả Rập”, tình hình ở Tunisia cũng như ở Ai Cập vẫn bất ổn. Điều đó là đương nhiên vì những cuộc cách mạng này không phải vì nhân dân mà chỉ dùng nhân dân làm lực lượng lật đổ chính quyền cũ để khi thành công rồi thì giới cầm quyền mới giành giật lợi ích cho họ. Sau cuộc cách mạng năm 2011, Ai Cập đã tổ chức cuộc bầu cử và thành lập chính phủ dân sự nhưng lại sớm rơi vào khủng hoảng chính trị do không đạt được sự hợp tác giữa đảng Hồi giáo cầm quyền và những phe phái đối lập. Cũng sau cuộc cách mạng lật đổ chế độ cũ, Libya chưa thiết lập được an ninh do nhiều phe phái vũ trang cùng tranh nhau đòi trị vì đất nước. Vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi thể hiện tình trạng bất ổn ở quốc gia Bắc phi này.
Trong khi ở Tunisia, Ai Cập, Libya chưa yên thì tình hình Trung Đông vẫn tiếp tục căng thẳng và không ngưng tiếng súng. Chương trình phát triển hạt nhân ở Iran thường xuyên là mục tiêu đối phó của phương Tây. Tiến trình hòa bình Israel-Palestin vẫn tiếp tục bế tắc do thái độ cứng rắn từ cả hai phía, đặc biệt của chính quyền Israel. Việc Palestin được chấp nhận với tư cách Nhà nước quan sát phi thành viên Liên hợp quốc qua cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 29/11/2012 là một sự kiện mang tính lịch sử. Đó là sự công nhận thắng lợi về ngoại giao, chính trị của nhân dân Palestin. Nhưng chừng nào không gây được áp lực với Israel để tiến tới một nền hòa bình, thì chưa thay đổi được tình thế trên thực địa.
Tình hình ở Syria cũng chung một kịch bản khi số người chết đã vượt qua con số 40.000 người. Thất bại của Basha al-Assad là không thể tránh khỏi vì phe chống đối đã thống nhất lại với sự hậu thuẫn ngày càng trực tiếp và đắc lực của phương Tây.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, những kịch bản ở các nước nêu trên đều có những nét giống nhau và đều do phương Tây, nhất là Mỹ đạo diễn. Với sức mạnh quốc phòng chi phí hàng năm bằng nửa chi phí của toàn thế giới, Mỹ đã dùng bá quyền đó để tiến hành phân chia lại của cải trên thế giới bằng súng đạn. Từ Nam Tư, Iraq, Afghanistan, Libya tới Syria và còn ở nơi khác nữa, lần nào những kịch bản đó cũng khiến hàng chục hay hàng trăm nghìn dân thường bị giết hại.
3. Toàn cầu hóa và chống toàn cầu hóa
Quá trình toàn cầu hóa như một tất yếu khách quan, phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa lực lượng sản xuất, làm tăng sự liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới, nhất là về thương mại, tài chính quốc tế. Toàn cầu hóa làm sâu sắc hơn sự chuyên môn hóa và phân công quốc tế; kích thích gia tăng sản xuất trên qui mô toàn thế giới, thúc đẩy sự giao lưu giữa các quốc gia, làm cho con người ở mọi châu lục hiểu biết nhau hơn, nắm được thông tin thế giới một cách nhanh chóng.
Toàn cầu hóa là một quá trình vận động phức tạp, chứa đựng cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực, cả cơ hội và thách thức cho mọi quốc gia, dân tộc. Các nước nghèo, các nước chậm phát triển tham gia quá trình toàn cầu hóa phải gặp nhiều thách thức, rủi ro.
Do có nhiều tầng lớp, nhiều bộ phận dân chúng và nhiều dân tộc bị tổn thương trong quá trình toàn cầu hóa, nên trên thế giới đang xuất hiện phong trào “chống toàn cầu hóa”. “Chống toàn cầu hóa” còn có tên gọi khác là “phong trào chống chủ nghĩa tư bản mới”, là hình thức mới nhất của sự phản đối quyết liệt chống lại chính sách toàn cầu hóa, chống lại việc thiết lập trật tự kinh tế có lợi cho các nước phát triển do các công ty xuyên quốc gia và liên minh các cường quốc tiến hành. Những người theo phong trào chống toàn cầu hóa coi kẻ thù chính trị - tư tưởng chủ yếu của mình là chủ nghĩa tự do mới cùng quan điểm bành trướng nổi bật của nó. Theo họ, chính sách cưỡng ép thị trường của chủ nghĩa tự do mới mà những công cụ chủ yếu được sử dụng là các thể chế quốc tế như IMF, WTO, WB có quyền lực hơn cả chính quyền các nước, dẫn tới sự suy thoái của nhiều ngành sản xuất dân tộc, phá hủy các ngành nghề thủ công truyền thống, các nền văn hóa dân tộc, phá hủy chủ quyền về lương thực của các nước. Chủ nghĩa toàn cầu hóa và chủ nghĩa tự do mới được xem như là hai quan điểm có liên hệ mật thiết với nhau trong hệ tư tưởng hiện đại của chủ nghĩa tư bản. Vì thế phong trào “chống toàn cầu hóa” có mục tiêu chính là hướng tới một trật tự kinh tế thế giới công bằng hơn.
4. Hợp tác và đấu tranh
Trên thế giới hiện nay có tới 200 nước lớn nhỏ, mạnh yếu khác nhau, các thể chế chính trị - xã hội khác nhau nhưng cùng chung sống trên một trái đất, cùng chịu những ảnh hưởng ở mức độ khác nhau của những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sinh thái, bệnh tật… Đó như một lẽ đương nhiên bởi chưa nước nào, thậm chí chưa một người nào có thể sống ngoài hành tinh này. Cũng chính vì lẽ đương nhiên đó nên nảy sinh nhiều vấn đề. Đó là mâu thuẫn giữa các khuynh hướng và định hướng phát triển xã hội. Ngay cả những nước có bản chất xã hội giống nhau vẫn có những nét đặc thù khác nhau. Chủ nghĩa tư bản Mỹ khác với chủ nghĩa tư bản ở Pháp, cũng khác xa ở Nhật. Các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa cũng có những nét đặc thù riêng. Vấn đề chi phối sâu sắc toàn cầu cần nhắc đến trong thế giới đương đại là lợi ích quốc gia, dân tộc. Tất cả điều đó diễn ra trong không gian toàn cầu hóa đưa tới một thế giới cùng chấp nhận tồn tại hòa bình, hợp tác để cùng phát triển, cùng có lợi. Sự hợp tác đó diễn ra trên mọi lĩnh vực, ở mọi cấp song phương, đa phương cũng như phạm vi toàn cầu. Đồng thời với quá trình chung sống hòa bình, hợp tác là quá trình đấu tranh giải quyết những mâu thuẫn về lợi ích không ngừng nảy sinh. Cuộc đấu tranh đó diễn ra trên nhiều lĩnh vực, lúc yên tĩnh, thầm lặng, lúc bùng lên quyết liệt; có cả cuộc đấu tranh bằng súng đạn nên trên thế giới chưa bao giờ vơi tiếng súng.
Từ những đường nét chính yếu nêu trên, bức tranh toàn cảnh của thế giới đương đại là bức tranh đa màu, đa sắc và có những gam màu sáng tối. Theo qui luật phát triển của lịch sử, nhất định bức tranh đó sẽ ngày càng khởi sắc, tươi mới. Nhận rõ cảnh sắc chung đó để chúng ta biết mình biết người hơn và càng tự tin về những định hướng đất nước mà ta đi tới, đó là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tươi màu thời đại.