Vụ nổ thiên thạch trên bầu trời nước Nga gây chấn động không chỉ "xứ sở Bạch Dương" mà cả thế giới. Sự kiện này cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về khả năng của thế giới sẵn sàng đối phó hiểm họa tiềm tàng từ vật thể ngoài vũ trụ, gồm cả những thiên thạch nhỏ, vốn bị giới khoa học lãng quên.
Tiếp cận Trái đất cách nhau không lâu, nhưng khác với thiên thạch mang tên 2012 DA 14 được theo dõi và dự báo quỹ đạo bay từ một năm trước, thiên thạch với đường kính chỉ gần 15 m bất ngờ xuất hiện đã làm nước Nga và cả thế giới sửng sốt. Phát nổ ở độ cao từ 19 đến 24 km so với mặt đất, "viên đá vũ trụ" này đã gây mưa thiên thạch tại nhiều địa phương ven dãy núi U-ran, miền trung nước Nga. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ ghi nhận rung chấn của vụ nổ tương đương động đất mạnh bốn độ rích-te. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhận định, vụ nổ có sức công phá bằng 20 quả bom nguyên tử dội xuống TP Hi-rô-si-ma (Nhật Bản) năm 1945. Hơn 1.200 người dân địa phương bị thương, trong đó có khoảng 200 trẻ em. Hãng thông tấn ITAR-TASS cho biết, thiệt hại do thiên thạch gây ra đến một tỷ rúp. Theo các nhà khoa học, đây là thiên thạch lớn nhất rơi xuống Trái đất kể từ vụ nổ Tun-gu-xka ở khu vực Xi-bê-ri-a, đông - bắc Nga năm 1908.
Sự kiện bất ngờ này gióng lên hồi chuông cảnh báo thế giới về hiểm họa đến từ các tiểu hành tinh. Các nhà khoa học cho biết, thiên thạch nhỏ không ẩn chứa mối đe dọa hủy diệt toàn cầu, nhưng đủ sức gây thiệt hại nghiêm trọng nếu rơi xuống Trái đất. Theo Viện Thiên văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, thiên thạch với nhiều kích thước trong Hệ mặt trời có khả năng va chạm lẫn nhau hoặc với các hành tinh khác, trong đó có Trái đất. Các vật thể ngoài không gian di chuyển với vận tốc rất cao, nóng lên nhanh chóng khi bị phanh lại trong bầu khí quyển Trái đất, gây ra các vụ nổ. Những mảnh vỡ thiên thạch có kích thước đủ lớn sẽ vượt qua lớp khí quyển rơi xuống Trái đất.
NASA ước tính, có khoảng 4.700 tiểu hành tinh với đường kính dưới 100 m tiềm tàng khả năng gây nguy hiểm cho Trái đất. Các nhà khoa học mới chỉ xác định vị trí chính xác của khoảng 30% trong số đó. Chưa đến 1% số thiên thạch có đường kính nhỏ hơn 40 m được phát hiện. Theo các chuyên gia, rất khó để kiểm soát những vật thể có đường kính 15 m như thiên thạch rơi xuống nước Nga hôm 15-2 vừa qua. Cơ quan Vũ trụ Nga thừa nhận không theo dõi được quỹ đạo di chuyển của thiên thạch này. Thiên thạch không được phát hiện vì sự kiện diễn ra ban ngày trong khi kính viễn vọng chỉ quan sát được vật thể trong vũ trụ vào ban đêm. Mặt khác, các cơ quan vũ trụ tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu thiên thạch lớn có mức độ nguy hiểm cao.
Ðến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được cách ngăn chặn nguy cơ thiên thạch va chạm Trái đất. Nhiều nước, trong đó có Nga, đã xây dựng hệ thống theo dõi thiên thạch. Những năm gần đây, LHQ cũng triển khai nhóm đặc nhiệm nghiên cứu về vấn đề này. Tháng 12-2009, Mỹ đưa kính thiên văn WISE trị giá 320 triệu USD vào vũ trụ nhằm phát hiện những vật thể chỉ phát ra ánh sáng hồng ngoại. Trước khi kết thúc sứ mệnh năm 2011, WISE phát hiện thêm 135 thiên thạch gần Trái đất. Tuy nhiên, sự kiện "vị khách không mời" rơi xuống tàn phá vùng U-ran, miền trung nước Nga cho thấy, nắm bắt chuyển động của các tiểu hành tinh vẫn là câu hỏi hóc búa của ngành công nghiệp vũ trụ thế giới.
Nga cho biết đã chuẩn bị 24 kịch bản để cứu hành tinh khỏi hiểm họa từ thiên thạch, sao chổi và vật thể không gian nguy hiểm khác. Trung tâm Bảo vệ hành tinh của nước này khẳng định, cần không quá bảy năm để thiết lập hệ thống bảo vệ Trái đất khỏi các mối đe dọa từ không gian. Nhưng trên thực tế, chiến lược ngăn chặn hiểm họa từ vũ trụ bằng cách phát hiện sớm và vô hiệu hóa những vật thể gây nguy hiểm cho Trái đất đòi hỏi đầu tư lớn và sự hợp tác của nhiều nước.