Ai Cập, điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Ðông

08:32, 18/03/2013

Kể từ sau khi chế độ của Tổng thống H.Mu-ba-rắc bị lật đổ hồi đầu năm 2011, Ai Cập liên tiếp rơi vào rối ren. Sự mất ổn định chính trị kéo theo những hệ lụy về xã hội, kinh tế ở đất nước có vị trí địa- chính trị chiến lược. Là một quốc gia có vai trò quan trọng ở khu vực Trung Ðông - Bắc Phi, Ai Cập luôn được Mỹ coi là một đồng minh và muốn tăng cường hợp tác. Ðây cũng là lý do Ai Cập là một trong những điểm đến trong chuyến công du đầu tiên của tân Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri.

Những diễn biến chính trị phức tạp cùng  khó khăn kinh tế mà Ai Cập đang gặp phải  khiến Mỹ, đồng minh từ thời Tổng thống Mu-ba-rắc, dù chưa tỏ ra thân thiện với chính phủ của Anh em Hồi giáo hiện nay, song tiếp tục quan tâm hợp tác. Tại cuộc gặp Tổng thống Ai Cập M.Mo-xi, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri thông báo Mỹ sẽ viện trợ 250 triệu USD giúp Ai Cập vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Khoản tiền trên gồm 190 triệu USD trích từ gói viện trợ tổng giá trị 450 triệu USD đang được Chính phủ, QH Mỹ và Ai Cập bàn thảo. Ðây là một phần trong cam kết của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma năm 2011, theo đó viện trợ một tỷ USD cho Ai Cập sau làn sóng nổi dậy lật đổ chính quyền của Tổng thống H.Mu-ba-rắc. Ngoài ra, Oa-sinh-tơn sẽ cấp 60 triệu USD cho Quỹ Kinh doanh chung Ai Cập-Mỹ mới thành lập để hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ thuộc khu vực tư nhân của Ai Cập. Ông Ke-ri khẳng định, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma sẽ hỗ trợ Ai Cập thông qua viện trợ kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân và xuất khẩu của Ai Cập sang Mỹ.

 

 

Khoản viện trợ của Mỹ được thông qua sau khi Tổng thống Ai Cập Mo-xi cam kết sẽ thực hiện các chương trình cải cách, vốn được đề ra trong thỏa thuận vay 4,8 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhưng bị trì hoãn do tình hình bất ổn chính trị kéo dài ở nước này. Tại buổi gặp mặt một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp Ai Cập, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Ke-ri cũng nhấn mạnh  tầm quan trọng của khoản vay từ IMF này.  Ông Ke-ri hối thúc Tổng thống Mo-xi nỗ lực hơn nữa và thỏa hiệp với các lực lượng đối lập để khôi phục đoàn kết, ổn định chính trị và phát triển kinh tế. Bởi, sự ổn định sẽ mở đường cho khoản cho vay nhằm giúp Ai Cập thoát khỏi suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Nếu Cai-rô có thể nhất trí khoản vay trị giá 4,8 tỷ USD từ IMF, quốc gia Bắc Phi này có nhiều khoản viện trợ khác từ Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) và các quốc gia A-rập. Ngay trước thềm chuyến thăm của ông Ke-ri, Ai Cập thông báo sẽ đề xuất với IMF mở lại cuộc đàm phán về khoản cho vay với hy vọng có thể hoàn thành  thỏa thuận trên vào cuối tháng 4 tới. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri cũng bày tỏ sự sẵn sàng đối thoại với tất cả các phe phái chính trị ở Ai Cập nhằm giúp nước này sớm tiến tới hoà giải. Tuy nhiên, đề nghị của ông bị phe đối lập ở Ai Cập lập tức bác bỏ. Phe đối lập còn tổ chức các cuộc biểu tình khi ông Ke-ri  tới thăm Ai Cập nhằm phản đối việc Mỹ tỏ ra "thân thiết" với chính quyền của Anh em Hồi giáo.

 

Kể từ năm 1979, khi Ai Cập và I-xra-en ký hiệp ước hòa bình, mỗi năm Mỹ viện trợ quân sự 1,3 tỷ USD cho Cai-rô. Tuy nhiên, mối quan hệ song phương này đã có nhiều thay đổi sau làn sóng Mùa Xuân A-rập. Từng là một đồng minh thân cận của Mỹ trong thế giới A-rập, Ai Cập dưới sự lãnh đạo của Tổng thống M.Mo-xi thể hiện tính cân bằng hơn trong quan hệ với Mỹ cũng như với các nước phương Tây. Tuy nhiên, bất chấp tình hình bất ổn chính trị kéo dài tại Ai Cập kể từ khi chính phủ mới của người Hồi giáo lên cầm quyền, Mỹ vẫn xúc tiến hoạt động hợp tác quân sự với quốc gia Bắc Phi này. Tại cuộc thảo luận của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri với Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập A.En Xi-xi, hai bên đã thảo luận việc hợp tác quân sự. Ai Cập bày tỏ mong muốn hợp tác nhiều hơn nữa để xây dựng và phát triển khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang nước này nhằm hỗ trợ cho an ninh và hòa bình ở khu vực. Các quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp định hòa bình giữa Ai Cập và I-xra-en, việc ngăn chặn buôn lậu vũ khí ở khu vực cũng như vai trò của Ai Cập trong cuộc chiến Xy-ri.

 

Lo ngại bất ổn ở Ai Cập sẽ để lại hậu quả lớn hơn cho khu vực, Mỹ cảnh báo các phe phái ở Ai Cập phải vượt qua bất đồng, ổn định chính trị, đưa nền kinh tế nước này trở lại quỹ đạo và duy trì vai trò hàng đầu ở Trung Ðông - Bắc Phi.