Ai Cập: Tương lai vẫn là một ẩn số

09:38, 13/03/2013

Ai Cập đang chìm sâu vào khủng hoảng chính trị sau khi thời hạn bầu cử Quốc hội bị hủy vô thời hạn. Cục diện đất nước kim tự tháp càng rối ren hơn khi phong trào biểu tình phản đối chính phủ đang lan rộng ra cả nước và có nguy cơ biến thành các cuộc bạo loạn đổ máu. Ai Cập đang phải nếm vị đắng của thời kỳ hậu “Mùa xuân A -rập”, đe dọa tới tương lai ổn định và phát triển của đất nước này...

Xem ra, chuyến công du tới Ai Cập của tân Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke -ri hồi đầu tháng này với tuyên bố: Oa-sinh-tơn sẽ viện trợ cho Ai Cập 250 triệu USD cũng chẳng giúp ích được nhiều cho quốc gia này. Trong bối cảnh người dân phẫn nộ trước thực trạng kinh tế bi đát, chính quyền bị cáo buộc thâu tóm quyền lực và tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm, không một “bàn tay” nào từ bên ngoài có thể giúp xoay chuyển được tình thế ở Ai Cập. Vận mệnh đất nước giờ đây đang phụ thuộc phần nhiều vào chính người dân Ai Cập.

 

Mỹ đồng ý trao cho Ai Cập “miếng bánh” này sau khi có được lời hứa sẽ thúc đẩy các chương trình cải cách của Tổng thống Ai Cập M.Mo -xi. Trong chuyến thăm, ông Giôn Ke -ri đã hối thúc Tổng thống M.Mo -xi nỗ lực hơn nữa và thỏa hiệp với các lực lượng đối lập để khôi phục sự đoàn kết, ổn định chính trị và phát triển kinh tế.

 

Nhưng ngay sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke -ri, tình hình Ai Cập diễn biến xấu hơn với tuyên bố tẩy chay bầu cử Quốc hội của phe đối lập chính ở Ai Cập là Mặt trận Cứu quốc (NSF). Tiếp sau đó là tuyên bố hủy bỏ sắc lệnh kêu gọi bầu cử do Tổng thống M. Mo -xi ban hành của Tòa án Hành chính. Và mới đây nhất là tuyên bố hủy bỏ thời hạn bầu cử được ấn định ngày 22-4 của ủy ban Bầu cử tối cao. Diễn biến này càng đẩy Ai Cập lún sâu hơn vào khủng hoảng và bế tắc chính trị.

 

Tòa án Hiến pháp tối cao (HCC) Ai Cập cho biết, sẽ cần ít nhất 60 ngày để xem xét tính hợp hiến của Luật bầu cử Quốc hội vừa được Thượng viện sửa đổi. Luật bầu cử này được Tòa án Hành chính trình lên Thượng viện sau khi ra phán quyết hủy sắc lệnh kêu gọi bầu cử của Tổng thống M.Mo -xi. Theo luật, sau khi nhận được hồ sơ từ Tòa án Hành chính gửi lên, HCC sẽ phải gửi thông báo cho các đương sự liên quan và chờ lấy ý kiến theo đúng quy trình thủ tục pháp lý. Quá trình này cần ít nhất hai tháng, đồng nghĩa với việc cuộc bầu cử quốc hội có thể bị trì hoãn tối thiểu đúng bằng khoảng thời gian này. Nhưng trong trường hợp cần thiết, HCC có thể đẩy nhanh tiến trình này nhằm tránh nguy cơ rơi vào bất ổn chính trị -xã hội nghiêm trọng.

 

Trong khi thời hạn bầu cử mới còn chưa rõ ràng, Ai Cập lại chìm trong xung đột và mâu thuẫn không chỉ bởi các cuộc biểu tình chống chính phủ do phe đối lập phát động mà chính nội bộ chính phủ của ông M.Mo -xi cũng đã xuất hiện chia rẽ. Hiện một bộ phận lực lượng cảnh sát đã tham gia đình công để phản đối chính sách sử dụng vũ lực chống người biểu tình của Bộ Nội vụ. Thậm chí, tại tỉnh Sác -ki-a, toàn bộ đơn vị cảnh sát bảo vệ tư dinh của Tổng thống M.Mo -xi cũng tham gia lãn công.

 

Trong bối cảnh đó, chính quyền của Tổng thống M.Mo -xi, với vai trò nổi bật của lực lượng Hồi giáo, đang vấp phải sự phản đối ngày càng mạnh mẽ không chỉ của phe đối lập mà còn của người dân. Ngay sau khi ông M.Mo -xi ra một sắc lệnh hồi tháng 11 năm ngoái nhằm mở rộng quyền lực của tổng thống, tại Ai Cập đã xuất hiện những cuộc biểu tình phản đối. Và từ đó đến nay, Ai Cập chưa lúc nào yên ổn với các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra thường xuyên hơn trên các đường phố. Tổng thống M.Mo -xi còn bị chỉ trích đã “bật đèn xanh” cho lực lượng cảnh sát sử dụng vũ lực quá giới hạn với người biểu tình. Người phát ngôn Bộ Tư pháp Ai Cập cho biết, đến nay, chính phủ đã nhận được hơn 100 đơn kiến nghị của người dân trên cả nước đề nghị khôi phục chính quyền quân sự như sau khi cựu Tổng thống H.Mu -ba-rắc bị lật đổ.

 

Khủng hoảng và bế tắc chính trị khiến chính quyền của ông M.Mo -xi không còn tâm trí tập trung cho phát triển kinh tế nên nền kinh tế Ai Cập suy thoái nghiêm trọng. Đời sống người dân khó khăn chính là nguyên nhân gây ra bất ổn xã hội và gia tăng tâm lý bất mãn đối với chính quyền của Tổng thống M.Mo -xi. Tỷ lệ thất nghiệp ở Ai Cập hiện nay ở mức khoảng 12,4%, trong khi tăng trưởng GDP giảm sút còn 0,5% và lạm phát leo thang.

 

Hiện nay, Ai Cập đang trông chờ vào khoản vay trị giá 4, 8 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để khôi phục và phát triển kinh tế. Nếu thỏa thuận về khoản vay này đạt được sẽ đem lại nhiều khoản viện trợ khác cho Ai Cập từ Mỹ, Liên minh châu âu và các quốc gia A -rập.

 

Tuy nhiên, tình hình rối loạn tiếp diễn ở Ai Cập đang làm gián đoạn các cuộc đàm phán về khoản vay này. Bộ trưởng Đầu tư Ai Cập ô -xa-ma Xa-lê (Osama Saleh) hy vọng có thể hoàn thành các thủ tục về thỏa thuận trên vào cuối tháng tư tới.

 

Nhưng trong hoàn cảnh phức tạp như hiện nay, tương lai của Ai Cập vẫn là một ẩn số khó đoán.