Sau khi Ngoại trưởng Pháp Loren Phabiyút (Laurent Fabius) ngày 14/3 tuyên bố rằng Pháp và Anh sẵn sàng vũ trang cho lực lượng đối lập Xyri thậm chí không cần tới sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU), dư luận đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về động thái này.
Hãng thông tấn quốc gia Xyri SANA nhấn mạnh vũ trang cho "các nhóm khủng bố" như vậy là một sự vi phạm trắng trợn luật quốc tế. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo vũ khí trang bị cho phe đối lập Xyri có thể rơi vào tay các phần tử khủng bố.
Trong một bình luận, người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Alếchxanđơ Lucasêvích (Alexander Lukashevich) lưu ý rằng một trong những lực lượng đối lập sẵn sàng tham chiến nhất là Giáphát An Nuxra (Jabhat al-Nusra), vốn bị xem là một nhóm khủng bố. Người phát ngôn này khẳng định lại quan điểm của Mátxcơva là cần tái thiết lập sự hiểu biết lẫn nhau giữa Chính phủ Xyri và lực lượng đối lập để có thể bắt đầu những thương lượng và đối thoại cần thiết.
Trong khi đó, nhóm đối lập chính Liên minh Dân tộc Xyri (SNC) hoan nghênh thông báo của Ngoại trưởng Pháp Phabiyút, cho rằng "đây là một bước đi đúng hướng". Theo người phát ngôn SNC, Tổng thống Xyri Basa An Átxát (Bashar al-Assad) sẽ "không chấp nhận một giải pháp chính trị chừng nào chưa nhận thức được rằng phải đối mặt với một lực lượng có vũ trang đủ mạnh để đánh bại ông ta".
Về phần mình, EU cho biết sau khi Pháp và Anh bày tỏ quan điểm sẵn sàng vũ trang cho quân chống đối Xyri, EU có thể tiến hành thảo luận trong khối "bất cứ lúc nào" về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Xyri. Ngày 28/2, các Ngoại trưởng EU đã nhất trí kéo dài thêm 3 tháng lệnh cấm vận vũ khí này bên cạnh những sửa đổi cho phép các nước thành viên EU có thể cung cấp trang thiết bị "phi sát thương" và huấn luyện cho phe chống đối Xyri. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp Phabiyút nói rằng Pari cùng Luân Đôn sẽ thúc đẩy để EU nhanh chóng thảo luận việc dỡ bỏ cấm vận.