Gian nan con đường gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ

08:24, 07/03/2013

Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ mới đây của Thủ tướng Ðức A.Méc-ken gợi mở những tín hiệu khả quan về tiến trình đàm phán gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, để góp mặt trong "ngôi nhà chung" của châu Âu, phía trước An-ca-ra vẫn là chặng đường nhiều chông gai.  

Năm 2004, Chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ hân hoan với quyết định công nhận tư cách đàm phán xin gia nhập EU của nước này, bước tiến quan trọng trong chính sách tăng cường hội nhập và gắn kết với châu Âu mà An-ca-ra tích cực theo đuổi. Tuy nhiên, đến nay, tiến triển trong đàm phán gia nhập EU rất hạn chế, do tồn tại nhiều khác biệt về quan điểm và cách tiếp cận từ hai bên. Tám năm kể từ khi bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức, Thổ Nhĩ Kỳ mới thảo luận 13 trong 35 chủ đề chính sách theo yêu cầu của EU. Trong đó, chỉ có một chủ đề về khoa học và nghiên cứu đi đến thống nhất. Pháp, CH Síp và Ủy ban châu Âu phong tỏa 13 chương liên quan khúc mắc chung quanh các vấn đề hội nhập, việc Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận CH Síp, không đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về quyền con người và tự do ngôn luận.

 

Quá trình đàm phán nhiều năm qua cho thấy, những điều kiện mà EU đặt ra là quá cao với Thổ Nhĩ Kỳ và con đường đi đến "ngôi nhà chung" còn nhiều chông gai. Trong đó, tranh chấp kéo dài giữa nước này với CH Síp là trở ngại lớn khiến nỗ lực gia nhập EU bị đình trệ những năm gần đây. CH Síp và nhiều nước châu Âu kiên quyết cản trở việc hiện thực hóa tư cách thành viên EU của An-ca-ra đến khi đảo Síp được thống nhất và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi nước này. Các nước EU gây sức ép yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện cam kết trong Nghị định thư An-ca-ra năm 2005, theo đó mở các hải cảng và sân bay cho hàng hóa của người Síp gốc Hy Lạp. Giải pháp cho vấn đề Síp được coi là chìa khóa mở cánh cửa EU cho An-ca-ra.

 

Ngoài ra, việc không nhận được sự ủng hộ của một số nước chủ chốt EU, trong đó có Pháp và Ðức khiến quá trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều trắc trở. Béc-lin và Pa-ri chỉ muốn trao cho An-ca-ra tư cách "đối tác đặc quyền". Pháp đơn phương phong tỏa năm chủ đề đàm phán liên quan các yêu cầu về hội nhập, gồm các vấn đề liên minh kinh tế và tiền tệ. Trong cuộc khảo sát mới đây, có tới 60% số người Ðức được hỏi phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của EU. 57% cho biết, tăng trưởng kinh tế và sức mạnh quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là những yếu tố khiến họ lo lắng. Hơn nữa, EU còn cân nhắc khả năng để một quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi gia nhập "câu lạc bộ Thiên chúa giáo". Vấn đề dân số đông của Thổ Nhĩ Kỳ (gần 74 triệu người) cũng là yếu tố các thành viên trụ cột EU quan ngại. Bởi, sức nặng dân số dẫn đến phân chia lại số ghế của các nước trong EU theo phương thức bỏ phiếu cân bằng.

 

Tiến trình gia nhập EU gần như dẫm chân tại chỗ nhiều năm gần đây khiến Thổ Nhĩ Kỳ nóng lòng hơn bao giờ hết. Năm 2012, Thủ tướng T.Éc-đô-gan bất ngờ tuyên bố sẽ từ bỏ các nỗ lực gia nhập "ngôi nhà chung" nếu không đạt mục tiêu vào năm 2023. Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay, An-ca-ra đã tự tin hơn về tầm quan trọng đối với EU. Không thể phủ nhận, những năm qua, vị thế quốc tế và tiềm lực kinh tế của nước này được cải thiện đáng kể. Trong khi hầu hết các nước ở "lục địa già" trăn trở làm sao đạt mức tăng trưởng GDP 1%, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, GDP của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng 3,5% năm 2013. Thổ Nhĩ Kỳ cũng được nhiều quốc gia Trung Ðông thừa nhận là một đối tác đáng tin cậy, có thể đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.

 

Trong chuyến thăm hai ngày đến Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Ðức A.Méc-ken tuyên bố ủng hộ việc mở ra chương mới trong các cuộc đàm phán để An-ca-ra gia nhập EU. Trước đó, Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ cũng "bật đèn xanh" cho việc tái khởi động đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ. Thái độ tích cực của các nước trụ cột EU cho phép An-ca-ra hy vọng về những bước tiến mới trên con đường gia nhập "ngôi nhà chung" châu Âu.