Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định gia hạn chiến dịch chống cướp biển ở vùng Sừng châu Phi mang tên Lá chắn đại dương (Operation Ocean Shield - OOS) thêm một thời gian nữa. Đây là chiến dịch đặc biệt, sử dụng công nghệ cao để đối phó với hải tặc trong cuộc chiến đầy cam go và quyết liệt.
Vùng Sừng châu Phi còn gọi là vùng Đông Bắc Phi là một bán đảo thuộc Đông Phi lấn ra biển Ả Rập vài trăm km, là cực Đông của châu Phi bao gồm các quốc gia Djibouti, Ethiopia, Eritrea và Somalia. Chiến dịch OOS chính thức khởi xướng năm 2008 với 4 tàu chiến được triển khai.
Nhiệm vụ đặc biệt
Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), cướp biển gây thiệt hại ước trên 12 tỷ USD/mỗi năm. Năm 2012 có tới 212 thủy thủ của nhiều tàu thuyền bị bắt giữ làm con tin. Từ đầu năm đến nay có 60 trường hợp bị bắt giữ.
Mục đích ban đầu của Chiến dịch OOS là hộ tống các tàu chở lương thực cứu trợ của Liên hợp quốc trong chương trình mang tên World Food Program để đưa hàng tới người nghèo châu Phi và đảm bảo an ninh hàng hải ở khu vực. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề đơn giản vì cướp biển ngày càng táo tợn. Ông Carsten Fjord-Lasen, Thuyền trưởng tàu HDMS Iver Hutfeldt, 1 trong 4 tàu hoạt động trong chiến dịch OOS cho biết: "Hải tặc ngày càng chuyên nghiệp. Chúng giỏi võ thuật, thạo đi biển, được tổ chức rất bài bản, có khả năng tác chiến cao, thích nghi với mọi hoàn cảnh lại giỏi cả đàm phán nên rất nhiều tàu thuyền lớn đã bị rơi vào tay chúng".
Đưa tàu công nghệ cao vào chiến dịch
Để đối phó, Chiến dịch OOS đã huy động các tàu hiện đại, trong đó có tàu HDMS Iver Hutfeldt. Đây là tàu khu trục hạng nhỏ được trang bị tối tân, thiết kế theo thế hệ tàu chiến hiện đại nhất hiện nay. Các tàu kiểu này thường có tốc độ trung bình 9 dặm/giờ (15 km) nhưng Iver Hutfeldt lại có thể đạt 30 dặm (48 km/giờ), sử dụng động cơ 46.000 mã lực, có thể đạt tốc độ cực đại ngay sau khi khởi động. Iver Hutfeldt đã được mệnh danh là át chủ bài trong chiến dịch này. Thuyền trưởng Carsten Fjord-Larse nhận xét: "Iver Hutfeldt có thể phát hiện cướp biển và đập tan chúng từ trong trứng nước".
Một trong những công nghệ hiện đại được trang bị cho tàu Iver Hutfeldt là hệ thống chẩn đoán nguy cơ bị tấn công từ xa. Hệ thống camera hồng ngoại có khả năng "nhìn rõ" trong phạm vi ít nhất 7 dặm (trên 10 km) nên có thế nhận dạng được cướp biển, thậm chí có thể biết chính xác vũ khí của chúng. Các thiết bị hiện đại sẽ phân tích được nhiều tình huống phức tạp, kể cả những tàu đang bắt giữ con tin và đưa ra các phương án tác chiến tối ưu.
Cần giải quyết tận gốc nạn cướp biển
Ngoài tàu Iver Hutfeldt, Chiến dịch OOS còn có 3 tàu chiến khác, trong đó có tàu San Marco do Italia chế tạo, đảm nhận chức năng làm "tổng hành dinh" do Đô đốc Antonio Natale chỉ huy. Một trong những nhiệm vụ chính của tàu San Marco là làm nơi đào tạo kỹ năng chống cướp biển cho các lực lượng hải quân của khu vực, nhất là các thủy thủ của khu vực châu Phi. Đặc biệt là các chiến thuật tiếp cận đánh chặn và xử lý các tàu hải tặc.
Theo Đô đốc Natale, việc gia hạn chiến dịch OOS là biện pháp cần thiết, để đối phó với hải tặc. Ngoài ra, NATO cũng khuyến cáo các hãng vận chuyển hàng hải nên áp dụng phương án dự phòng, đi theo tuyến "hành lang quá cảnh khuyến cáo quốc tế", gọi tắt là IRTC. Phương án này an toàn hơn nhưng chi phí lại rất cao. Bên cạnh đó cộng đồng quốc tế cũng nên hợp tác, giúp đỡ các nước thuộc vùng Sừng châu Phi phát triển kinh tế, chăm lo công ăn việc làm cho thanh niên trẻ. Đây cũng là cách giải quyết tận gốc nạn cướp biển.