Hai năm trôi qua kể từ ngày những cơn động đất tại bờ biển phía đông Nhật Bản đã gây ra thảm họa sóng thần, dẫn tới vụ nổ tại Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1. Cho tới nay, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản vẫn nỗ lực không ngừng trong việc khắc phục những hậu quả từ sự cố đáng tiếc này.
Sau thảm họa "kép" tháng 3-2011, Cơ quan Năng lượng hạt nhân Nhật Bản đã xếp hạng sự cố tại lò phản ứng hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 vào mức bảy, mức cao nhất theo thang xếp hạng quốc tế. Theo ước tính, tuy không đủ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân chung quanh, nhưng lượng phóng xạ thoát ra đã gây ô nhiễm trên một vùng có diện tích từ 965 đến 3.870 km2, tác động tới một số loài sinh vật trong vùng. Lượng rác thải sau quá trình vệ sinh phóng xạ tại khu vực gần nhà máy cũng đáng lo ngại. Tại TP Cô-ri-i-a-ma, tỉnh Phư-cư-si-ma, hàng nghìn túi nhựa chứa những mảnh vụn, gạch đá nhiễm phóng xạ đã được chôn sau những đợt thu dọn. Theo các nhà khoa học, đây chỉ là giải pháp tạm thời, mặc dù nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ các túi nhựa này không cao, do lớp bụi thông thường đã giảm bớt phần lớn bức xạ, đồng thời xên-xi-um trong chất thải hạt nhân khó liên kết với các hạt đất sét để thấm vào nguồn nước ngầm.
Tháng 9-2012, Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị tinh lọc lại các thanh nhiên liệu hạt nhân đã thôi sử dụng thành chất thải phóng xạ dạng thủy tinh, được làm nguội trong vòng 30 đến 50 năm trước khi lưu trữ tại độ sâu khoảng 350 m dưới lòng đất. Ðịa điểm xử lý dự kiến là các khu rừng thuộc sở hữu của Chính phủ, ở ngoại ô hai thành phố I-a-i-ta, tỉnh Tô-chi-gi và Ta-ka-ha-gi, tỉnh I-ba-ra-ki. Tuy nhiên, người dân địa phương tại hai nơi này đã không đồng tình vì cho rằng việc chôn chất thải phóng xạ gần khu dân cư là không an toàn. Tới cuối năm 2012, Bộ Môi trường nước này đã bắt đầu nhận hồ sơ từ các nhà thầu nhằm nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường tại các khu vực cất giữ chất thải hạt nhân dự kiến; đồng thời cam kết xem xét tất cả ý kiến trái chiều về kế hoạch xây dựng các khu này.
Ðầu tháng 3-2013, Thời báo Nhật Bản dẫn điều tra của hãng tin Ki-ô-đô cho biết, ít nhất tới khi các cuộc kiểm tra an toàn theo tiêu chuẩn mới của Cơ quan Pháp quy hạt nhân Nhật Bản (NRA) hoàn tất vào tháng 7 tới, các nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động kể từ tháng 3-2011 tại nước này mới có thể tái khởi động. Theo đó, Nhà máy điện Ôi của Công ty điện lực Can-xai (KEPCO), hiện là nhà máy điện hạt nhân duy nhất còn hoạt động ở Nhật Bản, cũng có thể ngừng hoạt động vào tháng 9 tới để kiểm tra. Việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa khiến vấn đề tài chính trở thành gánh nặng cho các công ty điện lực nước này. Theo ước tính, tổng chi phí thực hiện các tiêu chuẩn mới sẽ là khoảng gần 11,8 tỷ yên. Trước tình hình này, Công ty điện lực Ki-u-su (KYUDEN) cho biết, có thể sẽ khởi động lại hai lò phản ứng ở tây-nam Nhật Bản trong tháng 7 nếu các cuộc kiểm tra sớm hoàn tất. Trong khi đó, Công ty điện lực Si-cô-cư (YONDEN) đã trình Chính phủ nước này thông qua đề xuất tăng giá điện dân dụng Nhà máy điện hạt nhân I-ca-ta có thể khởi động lại vào tháng 7 tới. Giới chức trách Nhật Bản cũng chủ trương hỗ trợ, đẩy nhanh công tác kiểm tra, nhưng tính phức tạp làm quy trình này khó có thể hoàn tất nhanh chóng.
Nhân dịp hai năm ngày xảy ra thảm họa, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) vừa thông qua một hệ thống cảnh báo sóng thần mới, tập trung tư vấn sơ tán người dân, thay vì nghiên cứu các thông số về những con sóng. Theo đó, trong ba phút sau một trận động đất từ tám độ rích-te trở lên, JMA sẽ đưa ra cảnh báo đầu tiên với hai cấp độ "cao" hoặc "lớn". Các cảnh báo này dựa trên mức dự đoán cao nhất của sóng thần, nhằm tránh đánh giá thấp nguy cơ. Từ đó, JMA sẽ gợi ý người dân "sơ tán" hoặc "rời khu vực ven biển ngay lập tức", hoặc "không đánh bắt hải sản" hay "không đi bơi" cho tới khi hết cảnh báo.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính cũng như thỏa thuận với các địa phương, nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn ráo riết tìm kiếm và thực hiện triệt để các biện pháp khắc phục. Những con đường ngổn ngang gạch đá, nay đã sạch sẽ, thông suốt; người dân lại được bảo đảm an toàn từ những chính sách mới của Nhà nước.