Ngày 28/3, đại diện Chính phủ Thái Lan đã tiến hành cuộc đàm phán chính thức đầu tiên với nhóm phiến quân Hồi giáo Mặt trận cách mạng dân tộc (BRN) ở miền Nam nước này giáp giới Malaysia.
Cuộc đàm phán này diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia trong bối cảnh cùng ngày xảy ra một vụ đánh bom tại khu vực trên làm ba người thiệt mạng.
Theo kế hoạch, cuộc đàm phán kéo dài một ngày tập trung vào những nỗ lực giảm bớt tình trạng bạo lực đổ máu ở khu vực miền Nam Thái Lan.
Người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanathabut cho biết tiến trình hòa bình toàn diện sẽ cần nhiều thời gian còn cuộc đàm phán chính thức đầu tiên chủ yếu "xây dựng quan hệ tốt và tin tưởng lẫn nhau."
Trong khi đó, sáng 28/3, đã xảy ra một vụ đánh bom trên đường nhằm vào một đội tuần tra an ninh ở tỉnh miền Nam Narathiwat làm ba dân quân thiệt mạng và 5 người bị thương.
Chính phủ Thái Lan tố cáo đây là một âm mưu nhằm phá hoại những nỗ lực hòa bình đang diễn ra ở Kuala Lumpur.
Phó Thủ tướng nước này Chalerm Yubamrung cho biết không phải tất cả các nhóm phiến quân đều ủng hộ tiến trình hòa đàm. Ông cũng bày tỏ ngờ vực về tính đại diện của phái đoàn BRN ở Kuala Lumpur khi cho rằng đây "chưa chắc là những thủ lĩnh thực sự."
Cách đây đúng một tháng, ngày 28/2 vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã lần đầu tiên ký thỏa thuận với BRN, cam kết hợp tác hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột kéo dài ở khu vực này suốt 9 năm qua, vốn đã cướp đi sinh mạng của 5.500 người.
Ngoài ra, các quan chức an ninh Thái Lan đã đưa ra điều kiện miễn truy tố trách nhiệm hình sự cho BRN nhằm giải quyết hòa bình các vụ xung đột ngày càng leo thang. Theo đó, nếu ra đầu thú và đồng ý tham gia một khóa cải tạo 6 tháng do Bộ Chỉ huy an ninh nội địa Thái Lan (ISOC) tổ chức, các tay súng liên quan đến bạo động tại 3 tỉnh biên giới phía Nam là Yala, Pattani và Narathiwat sẽ được miễn truy tố trách nhiệm hình sự.
BRN là một trong những tổ chức phiến quân chính bị cáo buộc gây ra tình trạng bất ổn ở miền Nam Thái Lan trong nhiều năm qua. Khu vực này thường xuyên xảy ra các vụ tấn công bằng súng và bom nhằm đòi quyền tự trị lớn hơn cho cộng đồng người Hồi giáo - điều mà Chính phủ Thái Lan không chấp nhận.