Tổng thống H. Ca-dai tố Mỹ tìm cách ở lại Áp-ga-ni-xtan

07:34, 11/03/2013

Ngày 10-3, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai (Hamid Karzai) cho biết, Mỹ và phong trào Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan đang tiến hành các cuộc đàm phán hòa giải ở Ca-ta, theo tin tức từ Roi-tơ. “Giới thủ lĩnh cấp cao của phong trào Ta-li-ban và người Mỹ đang tham gia các cuộc đàm phán ở quốc gia vùng Vịnh Ca-ta”, ông Ca-dai phát biểu tại thủ đô Ca-bun.    

Tổng thống Ca-dai cáo buộc Ta-li-ban và Mỹ đang "bắt tay với nhau" để thuyết phục người dân Áp-ga-ni-xtan rằng, tình trạng bạo lực sẽ ngày càng xấu đi nếu binh sĩ nước ngoài rút hết. Theo nhà lãnh đạo Áp-ga-ni-xtan, các vụ tấn công liều chết của Ta-li-ban gia tăng thời gian gần đây là nhằm phục vụ Mỹ để kéo dài cuộc chiến và cho thấy Ca-bun cần tới sự hỗ trợ của lực lượng nước ngoài, dự kiến sẽ rút hết khỏi nước này vào cuối năm 2014.

 

Hôm 9-3, ít nhất 21 người thiệt mạng trong 2 vụ đánh bom tự sát ở thủ đô Ca-bun và tỉnh Khốt-xtơ. Ta-li-ban sau đó đã nhận trách nhiệm về việc thực hiện các vụ tấn công và khẳng định, đây là thông điệp gửi tới tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Hây-gơ (Chuck Hagel), người đang có chuyến thăm Áp-ga-ni-xtan, cũng như chính quyền Mỹ về hình ảnh của một đất nước Áp-ga-ni-xtan đầy bất ổn sau cuộc chiến kéo dài hơn 10 năm  qua. Dù vậy, theo ông Ca-dai, “các vụ đánh bom được thực hiện nhằm khiến người Áp-ga-ni-xtan cảm thấy lo sợ rằng, họ sẽ gặp những vụ việc tương tự nếu lực lượng quốc tế không còn hiện diện ở Áp-ga-ni-xtan”.

 

Ông Ca-dai không đưa ra những bằng chứng về cuộc hòa đàm giữa Mỹ và Ta-li-ban, nhưng ông cho hay hai bên đàm phán “hằng ngày” ở một số quốc gia khác. Ông cũng lưu ý rằng, từ lâu Mỹ đã không coi Ta-li-ban là kẻ thù. Tổng thống Áp-ga-ni-xtan cũng nói, ông không tin tuyên bố của Ta-li-ban rằng họ thực hiện các cuộc tấn công đẫm máu hôm 9-3 nhằm thể hiện sức mạnh đối kháng với Mỹ. "Vụ nổ hôm 9-3 cho thấy rõ ràng rằng, Ta-li-ban muốn có sự hiện diện của người nước ngoài tại đây”, ông Ca-dai nói.

 

Mối quan hệ giữa Mỹ và chính phủ Áp-ga-ni-xtan thời gian gần đây trở nên căng thẳng do hàng loạt các vấn đề, từ những vụ không kích giết nhầm dân thường, xúc phạm tôn giáo đến bất đồng trong việc duy trì lực lượng lính Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014. Hôm 9-3, lễ chuyển giao nhà tù Bagram của Mỹ cho chính quyền Áp-ga-ni-xtan cũng không diễn ra như dự kiến do hai bên còn bất đồng tới những phút chót. Hồi cuối tháng 2, Tổng thống Ca-dai đã yêu cầu lực lượng đặc nhiệm Mỹ rời khỏi tỉnh Oa-đắc do các cáo buộc liên quan đến lạm dụng dân thường. Trong bài phát biểu cách đây ít lâu, Tổng thống Ca-dai đã gọi sự có mặt của lực lượng quốc tế đang làm nhiệm vụ tại Áp-ga-ni-xtan là những kẻ chiếm đóng nhằm cướp bóc tài nguyên của Áp-ga-ni-xtan. 

 

Phát biểu của ông Ca-dai diễn ra trong bối cảnh tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Hây-gơ đang ở thăm Áp-ga-ni-xtan nhằm tìm hiểu tình hình an ninh và gặp gỡ các binh sĩ Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) đang làm nhiệm vụ tại nước Nam Á này. Theo một số nguồn tin, trong chuyến thăm này, ông Hây-gơ tiếp tục gây áp lực để Tổng thống Ca-dai đồng ý miễn trừ truy tố đối với số lính Mỹ dự định sẽ ở lại quốc gia Tây Nam Á này sau năm 2014.

 

Dự kiến sau chuyến thăm Áp-ga-ni-xtan, ông chủ mới của Lầu Năm Góc sẽ chính thức trình lên Nhà Trắng quy mô lực lượng Mỹ sẽ ở lại Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014. Ngày 10-3, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan nhấn mạnh rằng, bất kỳ nước nào muốn duy trì quân đội tại Áp-ga-ni-xtan đều phải thực hiện những quy định mà nước này đặt ra trước đó. “Chúng tôi sẽ nói cho họ biết nơi nào chúng tôi cần họ và trong điều kiện nào. Họ phải tôn trọng pháp luật và chủ quyền của Áp-ga-ni-xtan”, ông Ca-dai nói.

 

Tuy nhiên, cả phía Mỹ và lực lượng Ta-li-ban đều bác bỏ thông tin này. Người phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Hây-gơ tuyên bố, Oa-sinh-tơn và Ca-bun cùng chia sẻ quan điểm rằng, Ta-li-ban là kẻ thù chung. Theo quan chức này, thông tin trên là không đúng đắn và nếu tiến trình hòa giải chính trị dẫn tới những cách hành xử khác nhau của mỗi bên thì Mỹ sẽ nhường lại cho chính quyền Áp-ga-ni-xtan dẫn dắt tiến trình đó. Trong khi đó, phát ngôn viên của Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan, ông Da-bi-hu-la Mu-gia-hít (Zabihullah Mujahid), đã phủ nhận thông tin cho rằng, các cuộc đàm phán với Mỹ đã được nối lại và hiện chưa có tiến triển nào từ thời điểm hai bên ngừng đàm phán. Ta-li-ban đã ngừng các cuộc đàm phán một năm trước, đồng thời chỉ trích những tuyên bố "không nhất quán và mập mờ" của Mỹ.