Ai đứng sau vụ đánh bom ở Boston?

08:54, 17/04/2013

Gần 12 năm sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, nước Mỹ lại sống trong nỗi lo sợ không biết có phải đã bị tấn công khủng bố lần nữa hay không.  

Lúc 15 giờ 45 ngày 15-4 (giờ địa phương), tức 4 giờ 9 phút 44 giây sau khi cuộc chạy đua Marathon Boston của TP Boston (bang Massachusetts) xuất phát, một vụ nổ đã xảy ra chỉ cách đích đến vài mét. 12 giây sau đó, vụ nổ thứ hai xảy ra cách vụ nổ thứ nhất 50-100 m. 

 

Tăng cường an ninh

 

Theo kết quả điều tra ban đầu, bom là bom tự tạo có nhiều đinh vít, vòng bi. Vẫn chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm. Ngày 16-4, người phát ngôn tổ chức Taliban ở Pakistan (Tehreek-e-Taliban Pakistan) tuyên bố Taliban chống Mỹ và các đồng minh nhưng không liên quan đến vụ đánh bom ở Boston.

 

Tại Mỹ, cơ quan mật vụ đã tăng cường bảo vệ Nhà Trắng và lập hàng rào bảo vệ trên đại lộ Pennsylvania đối diện Nhà Trắng. Các sân bay ở Mỹ đã tăng cường hàng rào kiểm soát. Tổng cục Hàng không dân dụng thông báo hạn chế bay trên không phận TP Boston.

 

Nhiều thành phố ở Mỹ đã thông báo tăng cường các biện pháp an ninh. Ông Deval Patrick, Thống đốc bang Massachusetts, đã yêu cầu người dân Boston ở trong nhà, tránh nơi đông người.

 

Cảnh sát New York thông báo củng cố an ninh trước các khách sạn, các địa điểm công cộng và đặc biệt là trên tàu điện ngầm. Cảnh sát TP San Francisco (bang California) đã nâng mức báo động và khuyến khích người dân báo cáo điều gì khả nghi. 

 

Tại Pháp, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo tăng cường tuần tra do nguy cơ khủng bố gia tăng ở Pháp sau khi Pháp đưa quân sang Mali.

 

Sáng 16-4, Bỉ thông báo vẫn duy trì mức báo động cấp ba trên thang bốn cấp.

 

Khủng bố Al Qaeda?

 

Trang tin điện tử Digital Journal (Canada) đã đưa ra nhiều giả thiết. Theo giả thiết đầu tiên, chủ mưu vụ đánh bom ở Boston là tổ chức khủng bố Al Qaeda hoặc các chi nhánh của Al Qaeda, đặc biệt là tổ chức Al Qaeda tại bán đảo Ả Rập (AQAP).

 

Al Qaeda bị nghi ngờ vì tổ chức này thường đánh bom tại khu vực đông người và tại các sự kiện lớn nhằm gây sát thương cao và gây tiếng vang. AQAP rơi vào tầm ngắm bởi gần đây đã tổ chức hai vụ tấn công nhằm vào Mỹ.

 

Vụ thứ nhất: Umar Farouk Abdulmutallab người Nigeria giấu chất nổ dẻo trong quần lót và kích nổ trên chuyến bay của hãng hàng không Mỹ Northwest Airlines bay từ Amsterdam (Hà Lan) về Detroit (Mỹ) ngày 25-12-2009. Vụ kích nổ không thành. Y bị các hành khách khống chế.

 

Vụ thứ hai: AQAP âm mưu đánh bom hai máy bay chở hàng của hai hãng hàng không vận chuyển hàng hóa UPS và FedEx Express của Mỹ vào tháng 10-2010. Trong hai gói hàng, mỗi gói chứa 300-400 g chất nổ dẻo được gửi bằng đường hàng không từ Yemen đến Mỹ. Hai gói hàng bị phát hiện và bị thu giữ tại các điểm dừng quá cảnh ở Leicestershire (Anh) và Dubai.

 

Tuy nhiên, một số ý kiến không tin Al Qaeda là thủ phạm vì Al Qaeda thường sử dụng cách đánh bom tự sát chứ không đặt chất nổ như trong vụ đánh bom ở Boston.

 

“Sói đơn độc” hay bọn cực hữu?

 

Giả thiết thứ hai cho rằng thủ phạm có thể là các phần tử khủng bố đơn độc (còn gọi là “sói đơn độc”) thường hành động một mình, không nhất thiết có liên hệ với Al Qaeda nhưng chịu ảnh hưởng lý tưởng của Al Qaeda. Với lý lịch sạch sẽ, “sói đơn độc” dễ dàng lên kế hoạch, tìm mua hóa chất và vật liệu để chế tạo bom mà không bị chú ý.

 

Giả thiết thứ ba lưu ý đến một cá nhân cực hữu hoặc một nhóm cực đoan cánh hữu ở Mỹ. Vụ đánh bom xảy ra trong ngày lễ gọi là Ngày yêu nước và cũng là ngày cuối cùng khai thuế thu nhập cá nhân. Nhiều nhóm cánh hữu ở Mỹ phản đối thuế thu nhập cá nhân, xem loại thuế này là vi hiến.

 

Bộ An ninh nội địa Mỹ từng cảnh báo mối đe dọa ngày càng gia tăng của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu tại Mỹ gia tăng sau khi Tổng thống Obama thắng cử năm 2008.

 

Giả thiết cuối cùng cho rằng hung thủ có thể chỉ là một tên cuồng loạn muốn phá hoại cộng đồng như tên James Holmes xả súng làm 12 người chết, 58 người bị thương tại rạp phim ở Aurora (bang Colorado) hồi tháng 7-2012.

 

- Giải Marathon Boston là cuộc chạy đua marathon lâu đời nhất thế giới. Giải ra đời từ năm 1897, đến nay là lần tổ chức thứ 117, thường được tổ chức vào ngày thứ hai, thứ ba của tháng 4 trong năm. Năm nay có khoảng 26.000 vận động viên tham gia.

 

-Tại London (Anh), ban tổ chức cuộc chạy marathon thông báo vẫn tổ chức vào ngày 21-4 như dự kiến nhưng sẽ tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh.

 

- Theo trang web của giải Boston Marathon, trong danh sách các vận động viên (VĐV) đăng ký có một VĐV Việt Nam đến từ TP.HCM đăng ký với tên là Ho Van, Dung V, nam giới, 38 tuổi mang số hiệu 25957. Tuy nhiên, không rõ VĐV này đã hoàn tất đường chạy chưa vì kết quả cuộc thi không nêu kết quả của VĐV này.

 

- Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, NATO và nhiều nguyên thủ quốc gia đã gửi lời chia buồn với chính phủ và nhân dân Mỹ.