ASEAN cùng hành động cho COC

08:24, 26/04/2013

“ASEAN đã sẵn sàng, chúng tôi đang đợi phía Trung Quốc”. Đó là tuyên bố của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN sáng 25-4 ở Brunei liên quan tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC).

“Khi họ sẵn sàng bắt đầu [đàm phán], chúng tôi sẽ có mặt” - nhà lãnh đạo Singapore nêu rõ - Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc nên bắt đầu đàm phán sớm vì ít nhất khi có bộ quy tắc về ứng xử trên biển, chúng ta sẽ tránh được những sự cố đáng tiếc, những đụng độ không chủ định mà có thể dẫn tới leo thang, căng thẳng”.

 

“Đây là quan điểm mà tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng ý. Tôi nghĩ đó là một bước tiến lớn” - Thủ tướng Singapore nhấn mạnh.

 

Ông thừa nhận các nhà lãnh đạo ASEAN không phải đã thống nhất tất cả quan điểm, nhưng ít nhất “đã đạt được đồng thuận về nguyên tắc chung”. “Không có tiếng nói bất đồng nào. Kể cả Campuchia cũng ủng hộ việc đàm phán về COC”. Nhưng ông cũng lưu ý “vấn đề quan trọng này sẽ cần có thời gian lâu dài mới giải quyết được. Điều chúng ta cần làm là thừa nhận vấn đề, kiểm soát và hướng tới COC dựa trên một số nguyên tắc nhất định”.

 

“Có sáu nguyên tắc mà mọi người đã đồng ý và sẽ được tái khẳng định trong bản tuyên bố chung. Chúng ta đồng ý là sẽ cùng hành động hướng tới COC” - ông Lý nhấn mạnh.

 

Biển Đông: chương trình nghị sự ưu tiên

 

Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng khẳng định các nhà lãnh đạo ASEAN đã tìm được tiếng nói chung về vấn đề biển Đông sau bữa tối 24-4. “Chúng ta phải rất biết ơn vì toàn thể ASEAN đã chấp nhận thảo luận vấn đề này. Mọi người đều muốn có một giải pháp hòa bình” - AFP dẫn lời ông Aquino nhấn mạnh.

 

Phát biểu trước báo giới, tổng thống Philippines hoan nghênh vấn đề tranh chấp ở biển Đông đã trở lại chương trình nghị sự ưu tiên của ASEAN. Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Phan Duy Hảo - Trung tâm luật quốc tế Đại học Quốc gia Singapore - nhận định Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 46 (được tổ chức tại Brunei từ ngày 24 đến 27-6) sẽ ra được thông cáo chung, trong đó đề cập đến tranh chấp biển Đông.

 

Còn giáo sư Carl Thayer - Học viện Quốc phòng Úc - đánh giá Brunei đã thể hiện vai trò có trách nhiệm trên cương vị chủ tịch ASEAN khi hành động phản ánh nguyện vọng của đa số thành viên là sự tiến triển trong việc xây dựng COC.

 

Thạc sĩ Trương Minh Huy Vũ - nghiên cứu sinh Đại học Bonn, Đức - cho rằng đến Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) 2013 vào tháng 10 thì COC mới có khả năng hình thành: “EAS là diễn đàn cấp cao với sự tham gia của ASEAN và các nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Liên minh châu Âu, do vậy phù hợp để đàm phán COC và có thể dựa vào ảnh hưởng của những cường quốc này để ràng buộc Trung Quốc”. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Huy Vũ, “quan trọng không phải là COC có hình thành hay không, mà là COC gồm những điều khoản gì và có tính ràng buộc hơn chứ không như DOC”. Còn theo giáo sư Thayer, ASEAN cần thống nhất trước các điều khoản trong COC, chẳng hạn như không tập trận quân sự trên biển Đông, sau đó mới đưa ra đàm phán với Trung Quốc. “Thời hạn tháng 10 mà Brunei đặt ra mang tính chính trị nhiều hơn tính thực tế” - giáo sư Thayer nhận định với Tuổi Trẻ.

 

Thủ tướng VN: ASEAN cần đoàn kết

 

Theo TTXVN, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của Brunei với tư cách chủ tịch ASEAN năm 2013. Thủ tướng nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc xây dựng cộng đồng ASEAN để tăng cường kết nối khu vực về hạ tầng, chính sách và người dân.

 

Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ASEAN cần đoàn kết và phát huy tiếng nói chung vì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở biển Đông. Thủ tướng nhấn mạnh đến việc triển khai các cam kết và thỏa thuận giữa các bên, trong đó có tuyên bố sáu điểm của ASEAN về biển Đông và tuyên bố cấp cao ASEAN - Trung Quốc nhân kỷ niệm 10 năm ký kết DOC.