Dù là phiên thường niên nhưng Hội nghị Nhân dân tối cao (Quốc hội) Triều Tiên (họp ngày 1-4) năm nay đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận do đây là thời điểm để nhà lãnh đạo Kim Jong-un công khai với thế giới những ưu tiên của Bình Nhưỡng về phát triển kinh tế đất nước cũng như chính sách hạt nhân đang khiến cả thế giới quan tâm.
Đúng như dự báo, tuyên bố ưu tiên cả về kinh tế lẫn vũ khí hạt nhân đã được nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra, sau một phiên họp toàn thể Ban Chấp hành lần đầu tiên kể từ năm 2010 đến nay. Theo đó, Triều Tiên phát đi thông điệp cứng rắn chưa từng có khi khẳng định vũ khí hạt nhân là "sinh mệnh quốc gia" và sẽ không đánh đổi dù với "hàng tỷ USD".
Để khẳng định sự cứng rắn như một động thái đáp trả mới đây của Mỹ, trong đó có quyết định triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor đến Hàn Quốc trong cuộc tập trận chung "Đại bàng non", ngày 2-4, Triều Tiên tuyên bố sẽ tái khởi động tất cả các cơ sở hạt nhân từng bị đóng cửa tháng 7-2007 - theo thỏa thuận tại cuộc đàm phán 6 bên bị đình trệ từ cuối năm 2008. Theo tuyên bố mới nhất, Triều Tiên sẽ điều chỉnh và tái khởi động tổ hợp hạt nhân Yongbyon, kể cả nhà máy làm giàu urani và lò phản ứng 5 MW. Trên thực tế lò phản ứng này là nguồn cung cấp plutoni duy nhất cho chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng, mà các chuyên gia dự đoán có thể giúp nước này đủ nguyên liệu để sản xuất từ 4 đến 8 quả bom có sức công phá lớn.
Với những tuyên bố mạnh mẽ được Bình Nhưỡng liên tục phát đi 48 giờ qua cùng những đáp trả không khoan nhượng của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản khiến dư luận khu vực không khỏi quan ngại về một cuộc chiến đang cận kề. Thế nhưng, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, Triều Tiên khó có thể mở một cuộc tấn công tổng lực nhằm vào Hàn Quốc hay "đối thủ tiềm tàng" số một bên kia Thái Bình Dương là Mỹ nếu chỉ dựa vào tiềm lực quân sự hiện có.
Để có thể hiện thực hóa tuyên bố tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở hai quần đảo Hawaii và Guam trên Thái Bình Dương, Triều Tiên phải sở hữu được tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, thực tế chưa có một loại tên lửa tầm xa nào được Bình Nhưỡng thử nghiệm thành công. Khả năng Triều Tiên sẽ gây chiến với Hàn Quốc cũng khó có thể xảy ra, bởi nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiểu rõ hơn ai hết về tiềm lực quân sự của quốc gia láng giềng khi có thêm sự hỗ trợ của khoảng 28.000 quân Mỹ đóng tại bán đảo và số quân nhân Mỹ thường trực đang đồn trú tại Nhật Bản. Không ít ý kiến cho rằng, nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ dựa vào "thành tựu" của vụ thử hạt nhân ngày 12-2-2013 và vụ thử tên lửa tháng 12-2012 để "nói chuyện" với thế giới về công nghệ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ là thiếu căn cứ bảo đảm một thắng lợi cho một cuộc chiến khi xảy ra.
Có quá nhiều lý do để Bình Nhưỡng không thể thắng trong một "chiến dịch" quân sự dù đó là gì đi chăng nữa, nhưng cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản không vì thế mà "bình chân như vại". Ngay sau quyết định điều máy bay ném bom B-52, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor đến Hàn Quốc để tập trận, Mỹ đã cử tàu khu trục USS Fitzgerald tới khu vực bờ biển ngoài khơi Hàn Quốc để bảo vệ Seoul trước khả năng bị tấn công bằng tên lửa của Triều Tiên. Nhật Bản cũng đã đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Trong một diễn biến khác ngày 2-4, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã có cuộc họp nội các đầu tiên kể từ khi nhậm chức ngày 25-2, để tìm giải pháp cho tình hình căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay...
Thế giới từng không ít lần hồi hộp khi các bên đối địch dường như đã sẵn sàng cho một cuộc chiến trên Bán đảo Triều Tiên; song, nhiều thập kỷ đã qua, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo vẫn dừng lại ở "khẩu chiến". Nhưng, tuyên bố mới nhất từ Bình Nhưỡng trong cuộc gặp mùa xuân 2013 cho thấy, dù có thể chỉ nhằm cảnh báo Seoul với những chính sách cứng rắn hay đánh tiếng với Washington về những khoản viện trợ hoặc chỉ để củng cố vị thế nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un trước quân đội… cũng đủ khiến thế giới phải cảnh giác trên con đường tìm kiếm hòa bình.