Chuyến công du Đông Á của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Một công đôi việc

14:41, 13/04/2013

Ngày 12/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Hàn Quốc trong chuyến công du Đông Á của mình. Mục đích của chuyến đi không chỉ là thể hiện củng cố tình thân của Washington đối với Seoul và Tokyo, bày tỏ cho Trung Quốc biết về chiến lược châu Á - Thái Bình Dương, mà còn là cơ hội để Mỹ trực tiếp tham gia vào việc giải quyết những vấn đề nảy sinh trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian vừa qua. Theo lịch trình, sau Hàn Quốc, ông John Kerry sẽ tới Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong bài viết đăng tải sáng 12/4, hãng thông tấn AP nhận định, trong thời điểm nước sôi lửa bỏng này, sự xuất hiện của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Seoul mang lại nhiều thông điệp tới các quốc gia khác nhau. Bản thân ông John Kerry, ngay trước thềm chuyến đi vẫn khẳng định, Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên có thể đàm phán để thoát khỏi sự cô lập của quốc tế vì chương trình hạt nhân của nước này.

 

 

Ngoại trưởng Mỹ nói: “Họ có thể trở lại đàm phán và tham gia cùng tất cả các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc - đối tác và cũng là láng giềng gần nhất của Bình Nhưỡng. Rõ ràng Trung Quốc là láng giềng gần nhất nhưng cũng có vai trò quan trọng và luôn duy trì mối quan hệ thân thiết với CHDCND Triều Tiên hơn bất kỳ quốc gia nào”. Đồng thời, ông John Kerry cũng cảnh báo, Bình Nhưỡng có thể sẽ “mắc sai lầm lớn” nếu tiếp tục thực hiện kế hoạch phóng tên lửa tầm trung trong thời điểm hiện nay.

 

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: “Ông Kim Jong-un cần phải hiểu và tôi cho là ông ấy thừa hiểu, chuyện gì sẽ xảy ra nếu có xung đột trên bán đảo Triều Tiên”. Đáng chú ý là vào đúng thời điểm ông John Kerry đặt chân xuống sân bay ở thủ đô Seoul, cơ quan tình báo Mỹ đã đưa ra nhận định, Bình Nhưỡng có thể phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little nói: “Sẽ không chính xác khi khẳng định CHDCND Triều Tiên đã thử nghiệm đầy đủ, phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân như báo cáo rò rỉ. Báo cáo đó chỉ là một trong số rất nhiều những báo cáo tình báo về đe dọa từ CHDCND Triều Tiên và không phải kết quả cuối cùng. Thực tế một số nhà phân tích chính phủ không tin CHDCND Triều Tiên sở hữu tên lửa hạt nhân”.

 

Trong khi đó, theo giới quân sự Mỹ và Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên có thể phóng tên lửa Musudan với khả năng bay trong phạm vi 3.000 đến 4.000 km, tên lửa Scud tầm bắn 300 đến 500km và tên lửa Nodong tầm bắn 1.300 đến 1.500 km. Hiện Cục Tình báo quân đội DIA đang có nhiệm vụ theo dõi năng lực tên lửa của CHDCND Triều Tiên, còn Lầu Năm Góc gấp rút củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa ở phía Tây, đồng thời triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tới đảo Guam…

 

Giới phân tích cho rằng, những lời đe dọa lớn tiếng của CHDCND Triều Tiên thời gian qua về một cuộc chiến tranh hạt nhân xem ra hơi thái quá. Trên thực tế, chúng được đưa ra nhằm "giễu võ giương oai" với người dân trong nước, những người vốn luôn bị ám ảnh về một cuộc xâm lược tiềm tàng của Mỹ. Và mặc dù những tuyên bố hùng hồn, hiếu chiến của Bình Nhưỡng đã đạt đến mức đáng báo động khiến cả thế giới phải chú ý, song dường như từ khi sinh ra, người dân CHDCND Triều Tiên đã quen với kiểu tuyên truyền "diễn ra như cơm bữa" này. Thế nhưng, một khi những đe dọa này được Bình Nhưỡng đưa ra với cường độ nhiều và mạnh hơn thì đối phương  của CHDCND Triều Tiên mà cụ thể là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng bị lôi vào cuộc chơi “ăn miếng trả miếng với quan điểm “lần này cho biết tay”. Vì thế, các chiến dịch quân sự được vạch ra, hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai cả ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Guam đẩy khuynh hướng đe dọa đi theo kiểu chính sách nguy hiểm “bên miệng hố chiến tranh”.

 

 

G8 ra tuyên bố chung về CHDCND Triều Tiên và Syria

 

Hôm 11/4, sau hai ngày họp tại thủ đô London (Anh), hội nghị Ngoại trưởng G8 đã ra tuyên bố chung nêu rõ lập trường về vấn đề CHDCND Triều Tiên và Syria. Các Ngoại trưởng G8 hối thúc Bình Nhưỡng "kiềm chế" nhằm tránh có thêm các hành động gây căng thẳng. Đồng thời, tuyên bố cảnh báo, các nước G8 sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nếu CHDCND Triều Tiên tiếp tục tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa và rằng việc Bình Nhưỡng sử dụng ngôn từ "quá mức" chỉ khiến nước này càng bị cô lập với cộng đồng quốc tế. Còn tại cuộc họp ở Brunei, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN cho biết họ có ý định thiết lập một cơ chế đàm phán giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc nhằm tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. ASEAN sẵn sàng làm trung gian điều đình cho các cuộc đàm phán này tại diễn đàn khu vực ASEAN tổ chức ở Brunei vào tháng 6 tới. Mục tiêu của các nước ASEAN là nối lại cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng vừa đề xuất đối thoại với CHDCND Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh, cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng luôn để mở. Bà Park Geun-hye bày tỏ hy vọng CHDCND Triều Tiên sẽ sẵn sàng cùng với Hàn Quốc thiết lập các cộng đồng kinh tế chung, đi theo con đường hướng tới hòa bình, và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.