Cộng hòa Trung Phi tiếp tục phải đối mặt với nhiều bất ổn

08:41, 02/04/2013

Trong bối cảnh tình hình an ninh và nhân đạo vẫn đang là mối quan ngại của cộng đồng quốc tế, Cộng hòa Trung Phi lại tiếp tục phải đối mặt với một cuộc biểu tình dưới sự hỗ trợ của chính phủ tạm quyền.    

Ngày 30/3, dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy Seleka, khoảng từ 2.000-3.000 người đã tuần hành đến quảng trường trung tâm của Bangui. Những người biểu tình thuộc tất cả các tôn giáo.

 

 

Ngày 24/3, lực lượng nổi dậy Seleka đã chiếm thủ đô Bangui, giết hại ít nhất 13 binh sỹ Nam Phi và buộc Tổng thống Francois Bozize phải lưu vong đến Cameroon và xin tị nạn ở Benin. Sau khi lực lượng này chiếm giữ thủ đô, hàng loạt vụ cướp bóc và xung đột đã xảy ra trên các đường phố ở Bangui, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại về tình hình an ninh ở một trong những nước được coi là nghèo nhất thế giới này.

 

Tình hình an ninh và nhân đạo rất đáng lo ngại

 

Theo Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), việc lực lượng nổi dậy Seleka chiếm đóng thủ đô Bangui khiến cho tình hình nhân đạo vốn đã rất khó khăn của Cộng hòa Trung Phi càng trở nên nghiêm trọng.

 

Trong tuyên bố đưa ra cách đây không lâu, quyền điều phối viên hoạt động nhân đạo tại chỗ, tiến sĩ Zakaria Maiga cho biết: Tình hình hỗn loạn hiện đang diễn ra ở Bangui: "Các vụ cướp bóc tràn lan không chỉ do các thành viên của Seleka thực hiện, mà còn do các cựu binh sĩ và những người dân thường Trung Phi trong bộ đồng phục quân đội". "Hiện đã lên nắm quyền, Seleka có trách nhiệm chính phải cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân bị nạn, song sự lạm dụng của họ lại chỉ làm trầm trọng thêm tình hình", ông Maiga lo ngại.

 

Kể từ tháng 12/2012, 173.000 người Trung Phi đã phải di cư trong nội bộ đất nước, trong khi hơn 32.000 người đã phải bỏ chạy khỏi đất nước để sang tị nạn tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Cameron và TChad.

 

Giám đốc điều hành của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Manuel Fontaine cho biết: "Đã đến lúc để liên minh của Seleka thực sự thể hiện cam kết của họ đối với các nguyên tắc nhân đạo và nhân quyền của tất cả những người dân Trung Phi”.

 

Theo một quan chức của Hội Chữ thập đỏ Trung Phi Albert Yomba Eyamo, 78 thi thể đã được "thu gom" trong các đường phố của Bangui kể từ khi lực lượng nổi dậy Seleka chiếm giữ thủ đô.

 

Nhiều người bị thương cũng đã được tìm thấy sau các cuộc giao tranh gần đây ở Bangui. Dù họ cũng đã được đưa tới các bệnh viện gần nhất, tuy nhiên, việc hỗ trợ cho những người bị nạn này còn gặp rất nhiều khó khăn do điện thường xuyên bị cắt và trang thiết bị y tế thì thiếu thốn nghiêm trọng.

 

Chờ đợi một chính phủ dân sự mới

 

Tại Cộng hòa Trung Phi, ngày 25/3, một ngày sau khi lực lượng nổi dậy Seleka chiếm thủ đô Bangui và Tổng thống Bozize phải lưu vong, thủ lĩnh lực lượng nổi dậy Michel Djotodia tuyên bố, đình chỉ Hiến pháp và giải tán Quốc hội cũng như chính phủ nước này.

 

Phát biểu với báo giới, thủ lĩnh Djotodia nói rằng, trong giai đoạn chuyển giao, ông ta sẽ điều hành đất nước bằng các sắc lệnh cho đến khi tổ chức bầu cử dân chủ trong vòng 3 năm tới.

 

Chính phủ tạm quyền của lực lượng nổi dậy dường như đang nỗ lực khôi phục an ninh bằng cách tuần tra với sự hỗ trợ của lực lượng quân sự khu vực FOMAC do Cộng đồng Kinh tế Trung Phi (ECCAS) triển khai.

 

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, một tuần sau khi Tổng thống François Bozizé lánh nạn tới Cameroon, những người dân châu Phi vẫn không có được một chính phủ dân sự thực sự.

 

Ngày 3/4 tới đây, một hội nghị thượng đỉnh bất thường của Cộng đồng Kinh tế Trung Phi về vấn đề khủng hoảng ở Cộng hòa Trung Phi sẽ được tổ chức tại thủ đô N'Djamena của TChad.