Quân đội Triều Tiên được thành lập 81 năm trước đây (ngày 25/4), lâu đời hơn cả bản thân nước này. Dưới đây là những đánh giá của giới chuyên gia về những điểm mạnh và điểm yếu của quân đội Triều Tiên.
Cố Chủ tịch Kim Jong-il đã nâng cao vai trò của quân đội trong 17 năm nắm quyền, tăng quân số lên 1,2 triệu người. Chỉ huy tối cao của quân đội Triều Tiên - ông Kim Jong-un - đầu năm nay chỉ thị xây dựng "lực lượng vũ khí hạt nhân". Tuy nhiên, quân đội Triều Tiên vẫn được cho là sở hữu nhiều thiết bị lạc hậu.
Pháo binh
Hàn Quốc cho biết Triều Tiên có hơn 13.000 khẩu pháo, trong đó pháo tầm xa có khả năng bắn tới thủ đô Seoul - thành phố hơn 10 triệu dân nằm cách biên giới chỉ 50km.
"Lợi thế lớn nhất của Triều Tiên là pháo binh có thể bắn phá xối xả vào thủ đô Hàn Quốc" - Mark Fitzpatrick, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu chiến lược Mỹ nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc ước tính 70% pháo binh Triều Tiên dọc biên giới có thể "vô hiệu hóa" trong vòng 5 ngày nếu chiến tranh nổ ra. Tuy nhiên theo ông Sohn Yong-woo, giáo sư Đại học Hannam Hàn Quốc, khoảng thời gian này là quá muộn để ngăn con số thương vong của dân thường lên đến hàng triệu người và một đòn giáng nặng vào nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á.
Lực lượng đặc biệt
Các chuyên gia tin rằng chiến tranh du kích có thể là chiến lược khả thi nhất của Triều Tiên trong trường hợp xung đột, bởi lực lượng quân đội thông thường đang thiếu hỏa lực, trong khi trang thiết bị khá cũ kỹ.
Seoul ước tính Triều Tiên có khoảng 200.000 lực lượng đặc biệt, và Bình Nhưỡng đã sử dụng từ trước.
Năm 1968, lính đặc nhiệm Triều Tiên tấn công Phủ Tổng thống Nhà Xanh của Hàn Quốc trong một vụ ám sát bất thành Tổng thống khi đó là Park Chung-hee. Cùng năm này, hơn 120 lính biệt kích Triều Tiên đột nhập vào khu vực phía đông Hàn Quốc, giết chết 20 dân thường, binh lính và cảnh sát.
Năm 1996, 26 đặc vụ Triều Tiên xâm nhập vùng núi phía đông bắc Hàn Quốc sau khi tàu ngầm bị vỡ. Cuộc truy lùng đã khiến 2 đặc vụ Triều Tiên cùng 13 lính và dân thường Hàn Quốc thiệt mạng.
"Mục tiêu của các lực lượng đặc biệt là làm nản lòng Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc chiến với Triều Tiên ngay từ giai đoạn đầu tiên, bằng cách đặt các cơ sở hạ tầng lớn như nhà máy hạt nhân và người dân vào tình thế nguy hiểm" - Kim Yeon-su, giáo sư Đại học Quốc phòng Hàn Quốc nói. "Lực lượng đặc biệt của Triều Tiên là một thành phần quan trọng bên cạnh bom hạt nhân, tên lửa và pháo binh. Nhiệm vụ của họ là tạo ra càng nhiều mặt trận càng tốt để đưa kẻ thù vào tình trạng hỗn loạn".
Tháng 3/2010, 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng ở biển Hoàng Hải sau khi tàu chiến Cheonan bị Triều Tiên phóng ngư lôi đánh chìm. Triều Tiên bác bỏ cáo buộc. Kể từ năm đó, hải quân hai nước đã đụng độ đẫm máu 3 lần gần biên giới trên biển. Các chuyên gia nói rằng những trận chiến này chứng tỏ trong khi Hàn Quốc có lợi thế về công nghệ và hỏa lực hải quân thì Triều Tiên dựa vào các yếu tố bất ngờ.
Triều Tiên có 70 tàu ngầm trong khi Hàn Quốc có 10 chiếc. Các mối đe dọa đáng sợ nhất của lực lượng hải quân Triều Tiên là những tàu ngầm nhỏ có thể đưa lính đặc nhiệm đến dọc bờ biển Hàn Quốc.
Triều Tiên có 820 máy bay chiến đấu, nhiều hơn Hàn Quốc mặc dù Hàn Quốc được hỗ trợ bởi sức mạnh không lực Mỹ. Hàn Quốc cho biết hầu hết số máy bay Triều Tiên đều lỗi thời. Triều Tiên còn rơi vào tình trạng thiếu nhiên liệu triền miên, buộc không quân phải cắt giảm các phi vụ xuất kích.
"Triều Tiên không thể chịu đựng được một cuộc chiến kéo dài. Vớn đề lớn nhất là Triều Tiên sẽ nhanh chóng mất quyền kiểm soát không lưu vì không quân Mỹ và Hàn Quốc lợi thế hơn nhiều. Số lượng máy bay chiến đấu của Triều Tiên là vô nghĩa, bởi nhiều chiếc không thể bay được và phi công Triều Tiên ít được huấn luyện bay" - ông Fizpatrick nói. Mỹ đồn trú 28.000 quân tại Hàn Quốc và mới đây đã đưa máy bay ném bom tàng hình B-2 và tiêm kích F-22 vào tập trận chung với Hàn Quốc.
Vấn đề quân nhu và hậu cần cũng là một mối quan tâm khác. Thiết bị triển khai hạng nặng của hải quân và không quân luôn đòi hỏi bảo trì kéo dài, đặc biệt tại những địa hình gồ ghề như bán đảo Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ước tính nguồn lực chiến tranh của Triều Tiên, hầu hết dưới lòng đất, chỉ kéo dài được từ 2-3 tháng. "Cơ hội duy nhất để Triều Tiên giành chiến thắng bất kỳ cuộc chiến nào là khả năng Triều Tiên kết thúc nhanh đến đâu".
Triều Tiên đã cố gắng bù đắp sự thiếu hụt trang thiết bị hiện đại bằng nguồn nhân lực dồi dào. Chỉ có 25 triệu dân, song quân dự bị của nước này lên đến 7,7 triệu người.
Tên lửa và vũ khí hạt nhân
Triều Tiên cho biết cần phát triển vũ khí hạt nhân như một phương tiện nhằm ngăn chặn Mỹ. Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006.
Bình Nhưỡng được cho là có đủ plutonium để sản xuất từ 4-8 quả bom nguyên tử. Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ Triều Tiên chưa làm chủ được công nghệ thu nhỏ đầu đạn. "Tôi không tin Triều Tiên có khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân trong nhiều năm nữa" - ông Siegfried Hecker, chuyên gia hạt nhân tại đại học Stanford nói.
Bruce Bennet, chuyên gia tập đoàn Rand Corp cho rằng rất khó xảy ra khả năng Triều Tiên có tên lửa hạt nhân đủ sức vươn tới Mỹ, nhưng thừa nhận Bình Nhưỡng có thể có tên lửa hạt nhân tầm ngắn.
Vũ khí sinh - hóa học
Triều Tiên phủ nhận có chương trình vũ khí sinh hóa học, trong khi Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên sở hữu tới 5.000 tấn vũ khí hóa học.
Viện nghiên cứu chiến lược Mỹ cho biết mặc dù những con số trên chỉ mang tính phỏng đoán, song Triều Tiên có thể theo đuổi chương trình vũ khí hóa học và sinh học.
Cho dù tình trạng thực tế về khả năng vũ khí sinh hóa của Triều Tiên có như thế nào đi nữa thì điều này góp một phần tạo nên những quan ngại ở Washington, Tokyo và Seoul. Triều Tiên không ký kết Công ước vũ khí hóa học, nhưng đã tham gia Công ước vũ khí sinh học và độc hại.