Đuối lý, Trung Quốc vẫn hung hăng "bắt nạt hàng xóm" ở Biển Đông

07:59, 04/04/2013

Những cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông đang có nguy cơ bùng phát thành những cuộc xung đột đáng sợ có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với toàn thế giới.

Trung Quốc đã dàn một loạt lực lượng tàu hải quân, bán quân sự và cả dân sự ra biển để hỗ trợ cho tham vọng đòi chủ quyền đối với khoảng 80% vùng lãnh hải, lãnh thổ ở Biển Đông, trong đó có hàng trăm hòn đảo nhỏ và bãi đá nằm rải rác khắp hàng ngàn dặm.

 

Trong khi Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý theo luật hàng hải quốc tế để đòi chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông thì nước này dường như đang tìm cách dựa vào sức mạnh quân sự ngày một tăng để thực hiện tham vọng của mình. Điều đó được thể hiện qua những bước đi ngày một hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc ở những vùng tranh chấp trong thời gian gần đây.

 

Ngoài ra, giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, việc họ thể hiệp lập trường cứng rắn trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là quan trọng nhằm giúp họ củng cố hình ảnh và uy tín khi phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề trong nước.

 

Trong thời gian qua, thế giới đã chứng kiến Trung Quốc liên tục đẩy mạnh các cuộc tập trận hàng hải và theo các nhà phân tích, diễn biến này chính là điển hình cho sự hiếu chiến của Bắc Kinh hiện nay. Trung Quốc vẫn gọi những động thái tập trận của họ là một phần của “sự nổi lên một cách hòa bình” của nước này nhưng thực tế là họ đang bành trướng và đang khiến các nước láng giềng lo ngại.

 

Hồi tuần trước, Trung Quốc vừa thực hiện một chiến dịch hải quân rầm rộ vượt ra cả ngoài giới hạn “đường 9 đoạn” phi lý của nước này ở Biển Đông. Cùng với đó, Trung Quốc còn sát nhập 5 cơ quan hàng hải dân sự thành một lực lượng bảo vệ bờ biển có nhiệm vụ nặng nề là xác lập chủ quyền đối với những vùng biển đang nằm trong tranh chấp với các nước khác.

 

Trung Quốc công khai thực hiện những động thái đầy khiêu khích trên biển. Từ căn cứ Tam Á ở đảo Hải Nam, một đội gồm 4 tàu chiến của Trung Quốc đã ngang nhiên đi vào bãi cạn James – nơi cách Trung Quốc tới 1.800km và chỉ cách bờ biển Malaysia có 80km. Bãi cạn James rõ ràng nằm trong thềm lục địa của Malaysia. Các tàu của Trung Quốc còn tiến tới Đá Vành Khăn – khu vực nằm cách Trung Quốc cũng tới tận 1.800km và nằm hoàn toàn trong chủ quyền của Việt Nam. Trước khi trở về cảng, đội tàu của Trung Quốc còn tiến hành các cuộc diễn tập ngoài khơi xa ở khu vực Eo biển Bashi nằm giữa Philippines và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

 

Nhiều nhà phân tích nhận định, những bước đi đầy bất thường trên đã phơi bày rõ thạm vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc và nó cũng cho thấy, Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh việc thực hiện tham vọng này. Ông Gary Li - một nhà phân tích cấp cao ở IHS Fairplay, London, cho rằng việc đội tàu chiến Trung Quốc tiến tới những vùng biển cách xa nước này và sát bờ biển của nước khác ở Biển Đông để tập trận đã phát đi “một thông điệp mạnh mẽ đến bất ngờ” từ giới lãnh đạo Trung Quốc.