Trong báo cáo đánh giá thứ hai về tình trạng mất cân bằng kinh tế vĩ mô ở các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Ủy ban châu Âu (EC) nhận định Pháp, Italy và Tây Ban Nha đang đối mặt với các vấn đề mất cân bằng kinh tế vĩ mô ngày càng trầm trọng, trong khi Slovenia đang "tiệm cận" điểm phải thực hiện các bước đi khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ bất ổn lan rộng ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).
Trong bản báo cáo công bố ngày 10-4, EC đặc biệt nhấn mạnh đến các mối quan ngại kinh tế ở Pháp và Italy, đồng thời xếp Tây Ban Nha và Slovenia vào danh sách những nước có thể phải "nộp phạt" nếu không điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô.
Theo giải thích của EC, với khoản vay 40 tỷ euro từ Eurozone năm 2012 để tái cơ cấu vốn cho hệ thống ngân hàng, nợ trong nước và nước ngoài của Tây Ban Nha hiện đã lên mức báo động, gây nguy cơ nghiêm trọng cho tăng trưởng và ổn định tài chính.
EC dự đoán tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha có thể lên tới 27% trong năm nay, khiến tình trạng sụt giảm kinh tế sẽ kéo dài đến năm 2014. Nguyên nhân một phần do các biện pháp cải cách tài chính công, tạo công ăn việc làm và gia tăng khả năng cạnh tranh đang được áp dụng tại Tây Ban Nha chưa đem lại hiệu quả.
Tại Slovenia, chính phủ nước này đang phải gánh khoản nợ xấu khổng lồ do các doanh nghiệp để lại, đe dọa sự ổn định của hệ thống ngân hàng khiến nhiều người lo ngại nước này có thể sẽ trở thành ứng cử viên kế tiếp cần xin cứu trợ của EU.
Trong khi đó, Pháp và Italy cũng đang đối mặt với các dấu hiệu gia tăng về nguy cơ mất cân bằng kinh tế vĩ mô, cho dù vẫn chưa bị coi là "quá mức." Cụ thể, theo EC, khả năng chịu đựng của kinh tế Pháp trước các cú sốc bên ngoài "đang giảm dần," triển vọng tăng trưởng trung hạn giảm do tác động của mất cân bằng kinh tế vĩ mô kéo dài, khả năng cạnh tranh hàng hóa cũng sụt giảm do bị thu hẹp thị phần xuất khẩu tại thị trường EU trong khi chi phí lao động trên mỗi sản phẩm tăng.
Còn tại Italy, mức nợ công dự kiến của nước này sẽ tăng lên tới 130% GDP, cao hơn nhiều so với mức được coi là bền vững.
EC kết luận nếu những vấn đề ở các nước trên trở nên trầm trọng hơn, gần như không có nền kinh tế nào trong EU, trừ Đức, có thể "miễn dịch" trước các tác động của cuộc khủng hoảng nợ công do chi phí vay mượn ở khu vực sẽ tăng mạnh.
Bản đánh giá của EC được thực hiện dựa trên năm tiêu chí về thâm hụt ngân sách, tỷ lệ nợ công, cân bằng trong hệ thống ngân hàng, cơ cấu thị trường lao động và phí tổn lao động.
Theo quy định, Tây Ban Nha và Slovenia sẽ phải báo cáo với EC về các biện pháp khắc phục mất cân bằng kinh tế vĩ mô vào trước tháng Tư. Nước nào không thực hiện sẽ phải đối mặt với "mức phạt" lên tới 0,1% GDP.