Ăn mặc giống như những thiếu niên Mỹ, thích chơi thể thao và cố gắng để hòa nhập khi chuyển từ Cộng hòa Đa-ghe-xtan đến Mỹ cùng gia đình hơn 10 năm trước đây, đó là những gì hàng xóm, bạn học cùng những người quen biết Giô-kha Sa-nay-ép (Dzhokhar Tsarnaev) và Ta-me-lan Sa-nay-ép (Tamerlan Tsarnaev) tả lại về 2 nghi phạm trong vụ đánh bom đẫm máu tại Giải ma-ra-tông Bô-xtơn khiến 3 người thiệt mạng và 176 người khác bị thương.
Những cậu thanh niên “bình thường”
Những bạn học, giáo viên và hàng xóm của cả Giô-kha và Ta-me-lan cho biết, họ không thấy bất kỳ một dấu hiệu lạ nào có thể giải thích việc hai anh em nhà Sa-nay-ép thực hiện vụ đánh bom kép nói trên. Có chăng chỉ là những miêu tả như “thân thiện, hiền lành và bình thường như bao người khác”. Theo họ, Ta-me-lan - nghi phạm bị bắn chết ngày 19-4, là một thanh niên 26 tuổi đam mê đấm bốc và rất có năng khiếu ở bộ môn này. Nặng gần 90kg, Ta-me-lan từng đại diện cho vùng Niu Inh-lân, chiến thắng ở giải đấu Găng đấm vàng hạng nặng của nước Mỹ. Anh ta cũng có mơ ước được mang lại vinh quang cho đội tuyển đấm bốc tham dự Olympic. Còn Giô-kha, 19 tuổi, tốt nghiệp Trường Cambridge Rindge & Latin năm 2011. Nghi phạm trẻ tuổi này từng được thành phố trao học bổng 2.500USD. Giô-kha cũng là một đô vật từng có lần được vinh danh là vận động viên sinh viên của tháng và thi đấu cấp quốc gia. Khi cảnh sát công bố các bức ảnh 2 nghi phạm, rồi những cái tên được xướng lên, không lạ gì khi tất cả mọi người đều cảm thấy bị sốc. Thậm chí, bạn bè và người thân của anh em Sa-nay-ép không tin vào sự thật này.
Cô của hai nghi phạm, Ma-rét Sa-nay-ép (Maret Tsarnaev), hiện sống ở Tô-rôn-tô (Ca-na-đa) cho biết, Giô-kha và Ta-me-lan không thể làm điều này. "Tôi nghi ngờ điều này bị dàn dựng", bà nói, ám chỉ những bức ảnh 2 nghi phạm chụp từ ca-mê-ra an ninh vào ngày xảy ra vụ đánh bom. Bà cho rằng, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã không đưa ra đủ bằng chứng để thuyết phục bà rằng, Giô-kha và Ta-me-lan đã thực hiện vụ đánh bom. “Bất cứ ai muốn tìm kiếm người để đổ lỗi về vụ tấn công đều có khả năng dàn dựng bức ảnh. Khi tôi xem tất cả tài liệu, nó chẳng nói lên điều gì. Cả thế giới đang phán xét chúng chỉ vì những bức ảnh này và không hề có thêm một bằng chứng nào khác", bà cho hay.
Cũng theo bà Ma-rét Sa-nay-ép, tuổi thơ của hai nghi phạm rất êm đềm. Bố của họ, ông An-giô Sa-nay-ép (Anzor Tsarnaev) là một người đàn ông nhân hậu và yêu thương gia đình. Trong khi đó, Ủy ban an ninh quốc gia Cư-rơ-gư-xtan tối 19-4 xác định hai đối tượng đã chính thức nhập quốc tịch Mỹ ngày 11-9-2012 sau 10 năm sống và học tập tại đây. Trước đó, họ từng ở Cư-rơ-gư-xtan và Đa-ghe-xtan thuộc Nga, trước khi tới Mỹ sinh sống vào năm 2002.
Bốn quan chức của Chính phủ Mỹ cho biết, trước thời điểm diễn ra cuộc đánh bom một tuần, họ vẫn không hề có bất kỳ một dữ liệu nào cho thấy hai anh em Sa-nay-ép là những tên khủng bố có thể tham gia vào các cuộc tấn công, ngoại trừ việc cách đây hai năm, Ta-me-lan từng bị FBI thẩm vấn nhưng không phát hiện bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến các nhóm khủng bố.
Dấu hiệu cực đoan
Bức màn bí mật chỉ được hé mở khi một nhân chứng được cho là có quen biết với gia đình Sa-nay-ép cho hay, cô thường xuyên thăm căn hộ ở số 410 đường Norfolk ở Cam-brít mà anh em nhà Sa-nay-ép sống. Theo nhận định của cô A-lít-xa Lin-li Kin-giơ (Alyssa Lindley Kilzer), bà Giu-bây-dát, mẹ của hai anh em Sa-nay-ép có quan điểm tôn giáo khá cực đoan. "Bà ấy bắt đầu trích dẫn các lý thuyết âm mưu, nói với tôi rằng, bà nghĩ vụ khủng bố 11-9 do Chính phủ Mỹ cố tình tạo dựng để khiến người Mỹ căm thù dân Hồi giáo. Bà còn nói rằng: Đó là sự thật. Con trai tôi biết điều đó. Cô có thể đọc nó trên internet", Kin-giơ viết trên blog cá nhân.
Về phần mình, bà Giu-bây-dát một mực khẳng định con trai cả là Ta-me-lan theo đạo Hồi nhưng chưa bao giờ có những phát biểu cực đoan. Trong khi đó, trang RIA Novosti của Nga cho hay “tài liệu cực đoan” được tìm thấy trong tài khoản YouTube của Ta-me-lan, trong đó có album với tiêu đề “Kẻ khủng bố” và những đoạn hội thoại về tôn giáo của Phe-di Mô-ham-mát (Feiz Mohammad), một nhà truyền giáo cực đoan người Ô-xtrây-li-a đã từng bị cảnh sát Ô-xtrây-li-a điều tra vào năm 2007 vì những đoạn video liên quan tới việc kích động bạo lực và khủng bố. Ta-me-lan cũng đã bỏ uống rượu và hút thuốc để phù hợp với các giá trị của Hồi giáo. Cô của nghi phạm cho hay, y bắt đầu trở nên sùng đạo cách đây vài năm và cầu nguyện 5 lần một ngày. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ, hai nghi phạm có liên hệ với các nhóm khủng bố tại khu vực bất ổn Tre-sni-a của Nga.
Trong khi đó, Giô-kha, nghi phạm thứ hai lại được rất nhiều bạn bè quý mến. Nhiều người cho rằng, cậu sinh viên Giô-kha đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của anh trai mình. Tuy nhiên, điều tra của cảnh sát cũng phát hiện ra rằng, y có một tài khoản trên Vkontakte, mạng xã hội của Nga. Tại mạng này, anh ta là thành viên của các nhóm Tre-sni-a. Trang này cũng cho biết, quan điểm về thế giới của anh ta là “Hồi giáo” và “sự nghiệp và tiền” là mục đích cá nhân.
Càng rùng mình hơn khi mới đây CNN đưa tin, Ét-uốt Đê-vâu (Edward Devau), cảnh sát trưởng khu vực Oa-tơ-thao đã tiết lộ trong lúc đang đấu súng căng thẳng với lực lượng chức năng tại Oa-tơ-thao, để tẩu thoát, nghi phạm Giô-kha Sa-nay-ép đã lái xe đè qua người anh trai là Ta-me-lan Sa-nay-ép vẫn đang hấp hối. Ngoài ra, ông Ét-uốt Đê-vâu còn cho biết, trong quá trình truy đuổi 2 nghi phạm trước đó, những kẻ này đã ném một quả bom làm bằng nồi áp suất, loại giống với quả bom đã phát nổ tại đường chạy ma-ra-tông ở Bô-xtơn về phía các lực lượng chức năng.
Vài ngày nữa, Giô-kha Sa-nay-ép sẽ chính thức ra tòa nhưng cho tới giờ, nghi phạm này vẫn hoàn toàn im lặng. Hành trình đưa Giô-kha và Ta-me-lan từ Đa-ghe-xtan đến Mỹ đã quá rõ ràng nhưng hành trình tâm lý khiến hai nghi phạm từ những thanh niên bình thường trở thành những kẻ giết người vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.