Một trong những nội dung quan trọng hàng đầu được đề cập trong chương trình nghị sự của chuyến thăm cấp nhà nước tới LB Nga mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là vấn đề tăng cường hợp tác Nga - Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có những chuyển động mới.
Ðiểm đáng chú ý trong khuôn khổ chuyến thăm Nga lần này là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm trụ sở Bộ Quốc phòng Nga. Ðây là lần đầu người đứng đầu nhà nước Trung Quốc ghé thăm trụ sở Bộ Quốc phòng Nga. Chủ tịch Tập Cận Bình đã được Bộ trưởng Quốc phòng Nga X.Sôi-gu mời vào thăm Trung tâm Ðiều khiển hoạt động Bộ Quốc phòng và ông trở thành vị lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có dịp bước vào sở chỉ huy chính của Các lực lượng vũ trang Nga.
Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng Trung Quốc và Nga sẽ tăng cường hoạt động trao đổi và hợp tác giữa lực lượng quân đội hai nước. Ông tin tưởng rằng cuộc viếng thăm này sẽ rất hữu ích cho sự tin tưởng lẫn nhau về mặt chính trị và chiến lược, đồng thời giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước do hợp tác quốc phòng song phương đóng vai trò hết sức quan trọng trong tổng thể mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Trung. Trong những năm gần đây, lực lượng vũ trang hai nước liên tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như trao đổi các cuộc tiếp xúc cấp cao, huấn luyện binh sĩ, tập trận chung và hợp tác kỹ thuật quân sự. Ông Tập Cận Bình cho rằng, mặc dù hòa bình, phát triển và hợp tác vẫn là xu hướng chủ đạo của thời đại, song tình hình quốc tế đang có sự thay đổi sâu sắc, thế giới đang phải đối mặt những thách thức truyền thống và phi truyền thống. Trung Quốc và Nga đang đối mặt tình hình quốc tế bất ổn và phức tạp, do đó cần tăng cường hợp tác song phương và cùng với cộng đồng quốc tế đối phó mọi đe dọa và thách thức. Ông Tập Cận Bình cũng bày tỏ hy vọng lực lượng vũ trang hai nước thực hiện các thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã ký kết để hoạt động trao đổi và hợp tác quốc phòng đạt hiệu quả cao nhằm bảo vệ lợi ích chung của hai nước, góp phần củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Về phần mình, Bộ trưởng Sôi-gu nhấn mạnh, chủ nghĩa cực đoan và khủng bố đang hồi sinh, hòa bình và ổn định trên thế giới đang phải đối mặt một loạt thách thức. Do đó, Nga và Trung Quốc cần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng, bảo đảm an ninh chung và cân bằng chiến lược quốc tế.
Một chủ đề quan trọng đã được các quan chức Bộ Quốc phòng hai nước trao đổi nhân chuyến thăm này là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và kỹ thuật-quân sự. Trong đó, nội dung hàng đầu là vấn đề phòng thủ tên lửa. Thứ trưởng Quốc phòng Nga A.An-tô-nốp cho biết, phía Nga đã giới thiệu với các quan chức Trung Quốc mô phỏng trên máy tính về ảnh hưởng của việc mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ C.Hây-gơ công bố ngày 15-3 vừa qua đối với an ninh khu vực và sự ổn định chiến lược toàn cầu. Các quan chức quốc phòng Nga và Trung Quốc đã cùng chia sẻ lo ngại rằng, những hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ và NATO đang ráo riết triển khai sẽ làm suy yếu sự ổn định chiến lược toàn cầu.
Theo các phương tiện truyền thông của Trung Quốc, nhân dịp chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận lớn nhất trong vòng mười năm qua về hợp tác quân sự. Theo đó, Nga sẽ cung cấp 24 chiếc máy bay chiến đấu Su-35 đa năng siêu cơ động thế hệ 4+ cho Trung Quốc và cùng hợp tác đóng cho Trung Quốc bốn chiếc tàu ngầm đi-ê-den lớp La-đa. Hai bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục ký nhiều thỏa thuận hơn trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự. Tuy nhiên, thông tin liên quan vấn đề này chưa được phía Nga chính thức xác nhận. Năm 2012, Trung Quốc đã ký với Nga các hợp đồng cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự với tổng trị giá 2,1 tỷ USD. Tổng Giám đốc Công ty xuất khẩu vũ khí của Nga "Rosoboronexport" A.I-xai-kin cho biết, Trung Quốc chiếm 12% trong tổng số đơn đặt hàng mà Nga nhận được trong năm 2012. Ngoài ra, không loại trừ khả năng Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc các hệ thống tên lửa đối không và các hệ thống phòng không trong khuôn khổ những hợp đồng không xác định thời hạn với tổng trị giá 800 triệu USD, trong đó có thể có hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 "Triumph".