Hôm nay - 24.4, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu họp thượng đỉnh trong 2 ngày tại thủ đô của Brunei. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự hội nghị.
Nội dung cuộc họp có nhiều vấn đề, song chủ đề nổi lên thu hút dư luận là việc tạo dựng đoàn kết, thống nhất trong nội bộ ASEAN nhằm tạo đột phá, tiến tới đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý với Trung Quốc (TQ).
2 ngày trước Hội nghị thượng đỉnh, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã phát biểu nhấn mạnh rằng, lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á phải thành lập một mặt trận thống nhất về vấn đề biển Đông, trước những yêu sách ngày càng ngang ngược và quyết liệt của TQ . Brunei - nước đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN 2013 - cũng tuyên bố rằng, một trong những ưu tiên của nước này là đạt được sự chấp thuận giữa ASEAN và TQ về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC), sau hơn một thập niên được đề xuất.
Tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Raul Hernandez nói với các nhà báo là tại thượng đỉnh tháng 4 Brunei, Tổng thống Benigno Aquino sẽ thúc đẩy để sớm ký được bộ luật. Đầu tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa bất ngờ thông báo, ngoại trưởng các nước ASEAN và TQ sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt để đẩy mạnh tiến độ về COC nói trên...
Năm ngoái, nhiều nước trong khối ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines đã lên tiếng kêu gọi các nước trong ASEAN đoàn kết, có lập trường chung, để phản đối sự lấn lướt của TQ. Tuy nhiên cho dù nhiều nước Đông Nam Á có quyết tâm như vậy, nhưng tới nay COC vẫn chưa có được, do trở ngại từ phía TQ: TQ vẫn một mực đòi thương lượng tay đôi với từng nước có tranh chấp, thay vì với một khối ASEAN thống nhất.
TQ ngày càng quyết liệt và gia tăng các hoạt động tranh chấp, lấn chiếm xâm phạm chủ quyền biển đảo của các nước láng giềng ở biển Đông, gây mất an ninh nghiêm trọng ở khu vực. Năm ngoái, tranh luận về cách thức đối phó với TQ ở biển Đông đã đè nặng bầu không khí các cuộc họp của các chuyên viên cao cấp ASEAN. Căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm trong hội nghị Ngoại trưởng của ASEAN tại Phnom Penh tháng 7.2012; đến mức, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối, các ngoại trưởng ASEAN không ra được thông cáo chung.
Trước thềm hội nghị này, nhìn vào quyết tâm của các nước thành viên ASEAN, dư luận hy vọng rằng Thượng đỉnh ASEAN tại Brunei sẽ tạo bước đột phá để sớm đưa TQ ngồi vào đàm phán về COC. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đây là vấn đề hết sức khó khăn. Theo các chuyên gia, lập trường của TQ vẫn chưa sẵn sàng “nói chuyện” với ASEAN về biển Đông. Và như vậy, nếu TQ không muốn tiến về phía trước, thì sẽ khó có được tiến triển liên quan đến COC.
Tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết thống nhất cao của lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, với vai trò của nước chủ nhà Brunei - Chủ tịch ASEAN 2013 - cùng với tính chất cấp thiết của vấn đề biển Đông hiện nay, dư luận tin tưởng Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Brunei sẽ có những bước tiến khai thông để có thể đàm phán với TQ về COC trước cuối năm nay.