Nỗ lực đàm phán hòa bình ở miền nam Thái-lan

08:13, 23/04/2013

Chính phủ Thái-lan đang đẩy mạnh các nỗ lực hòa đàm với các lực lượng ly khai ở khu vực miền nam đất nước nhằm sớm chấm dứt bạo lực, đưa khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên này hòa vào nhịp độ phát triển chung của cả nước. Tuy nhiên, để đi đến hòa bình toàn diện còn cả một chặng đường không dễ dàng.

Với vai trò trung gian hòa giải của Ma-lai-xi-a, cuối tháng 3 vừa qua, đại diện Chính phủ Thái-lan và nhóm phiến quân Hồi giáo Mặt trận cách mạng dân tộc (BRN) ở miền nam Thái-lan đã đạt được thỏa thuận về Ðiều khoản tham chiếu cho đối thoại hòa bình. Ðây là một bước tiến quan trọng hai bên đạt được sau nhiều năm đàm phán. Theo tuyên bố của Ban Thư ký Nhóm công tác tiến trình đối thoại hòa bình chung (JWG-PDP), hai bên đã thảo luận về phương pháp hướng tới giải quyết các vấn đề bạo lực và sự ổn định ở miền nam; trao đổi thông tin liên quan vấn đề bạo lực một cách cởi mở và chân thành và nhất trí tiến hành cuộc đàm phán tiếp theo vào ngày 29-4 tới. BRN là một trong những tổ chức phiến quân chính bị cáo buộc gây tình trạng bất ổn ở miền nam Thái-lan trong nhiều năm qua, nhằm đòi quyền tự trị lớn hơn cho cộng đồng người Hồi giáo tại đây. Ðể đi đến thỏa thuận về điều khoản nêu trên, trước vòng đàm phán một tháng, Chính phủ Thái-lan đã lần đầu ký thỏa thuận với BRN, cho lực lượng này hưởng các điều khoản của điều 21 Luật An ninh nội địa (ISA), đồng thời cam kết hợp tác hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột kéo dài ở khu vực này gần mười năm qua, làm 5.500 người chết.

 

Nỗ lực nhằm giải quyết hòa bình các xung đột bạo lực leo thang ở khu vực miền nam Thái-lan được đẩy mạnh hơn kể từ khi Thủ tướng Dinh-lắc Xin-na-vắt lên nắm quyền lãnh đạo đất nước hồi tháng 8-2011. Tháng 2 vừa qua, giới chức Thái-lan đã nêu các điều kiện ân xá cho lực lượng phiến quân, theo đó áp dụng điều 21 ISA đối với một số khu vực tại ba tỉnh biên giới phía nam, gồm Y-a-la, Pát-ta-ni và Na-ra-thi-vát, nhằm mở đường cho lực lượng phiến quân đầu hàng chính quyền. Theo quy định của điều 21, các phiến quân liên quan bạo động tại ba tỉnh trên sẽ được ân xá nếu ra đầu thú và đồng ý tham gia một khóa cải tạo sáu tháng do Bộ Chỉ huy an ninh nội địa (ISOC) tổ chức. Những đối tượng này sẽ được phân loại là "người lầm đường lạc lối" và miễn bị truy tố trách nhiệm hình sự. ISOC chịu trách nhiệm khoanh vùng phạm vi áp dụng điều 21 của ISA. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ áp đặt các luật khác đối với những khu vực còn lại, cũng nhằm tạo cơ hội cho những phần tử chống đối được tham gia tiến trình hòa bình. Chương trình ân xá sẽ được trình Trung tâm thực thi chính sách và chiến lược giải quyết các vấn đề miền nam để xem xét và ra quyết định cuối cùng, dưới sự chủ trì trực tiếp của Thủ tướng D.Xin-na-vắt. Trong một nỗ lực khác nhằm duy trì an ninh ở miền nam nước này, Chính phủ sẽ triển khai 1.800 sĩ quan cảnh sát đang được đào tạo chuyên ngành an ninh tới ba tỉnh cực nam ngay sau khi kết thúc khóa huấn luyện vào tháng 5 tới. Ðây sẽ là lực lượng hỗ trợ đắc lực giúp giải quyết các vụ việc liên quan an ninh, được tuyển chọn từ các cựu quân nhân từng có ít nhất hai năm đóng quân tại miền nam, giàu kinh nghiệm hoạt động địa bàn, am hiểu về chiến lược an ninh của chính phủ và thủ tục pháp lý.

 

Theo các nhà phân tích, cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa chính quyền Băng-cốc và các nhóm ly khai, trong đó có BRN, chủ yếu là để xây dựng quan hệ tốt và tin tưởng lẫn nhau, bởi tiến trình hòa bình toàn diện còn không ít trắc trở và cần nhiều thời gian để giải quyết dứt điểm. Thực tế, trong khi diễn ra các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Thái-lan và BRN, nhiều nhóm chống đối ở khu vực miền nam vẫn rắp tâm thực hiện âm mưu phá hoại những nỗ lực hòa bình cho đất nước, tiến hành hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu. Phó Thủ tướng Thái-lan Ch.Y-u-bam-rưng cho biết, không phải tất cả các nhóm phiến quân đều ủng hộ tiến trình hòa đàm của Chính phủ. Nhà chức trách Thái-lan nhấn mạnh, để giải quyết có hiệu quả vấn đề bạo lực tại khu vực miền nam, các lực lượng phải phối hợp thực hiện theo kế hoạch dài hạn có hiệu lực đến năm 2026.