Sau khi vụ bê bối gian lận thuế của cựu Bộ trưởng Ngân sách Pháp G.Ca-uy-dắc bị phát giác, gây chấn động chính trường Pháp, chính quyền của Tổng thống P.Ô-lăng-đơ đang nỗ lực khôi phục niềm tin của người dân. Ông chủ điện Ê-li-dê tuyên bố sẽ thực hiện kế hoạch "chuẩn hóa đạo đức" đối với giới chính trị nước này.
Cựu Bộ trưởng Ngân sách G.Ca-uy-dắc từng được xem là trụ cột trong bộ máy hành pháp của Tổng thống Ô-lăng-đơ, là người được tin tưởng giao trọng trách đi đầu trong cuộc chiến chống gian lận thuế. Kể từ khi bị trang mạng Mediapart cáo giác vào cuối năm ngoái, ông Ca-uy-dắc một mực bác bỏ việc sở hữu tài khoản ở nước ngoài. Giữa tháng 3 vừa qua, sau khi bị khởi tố liên quan nghi vấn sử dụng tài khoản ngân hàng bí mật ở Thụy Sĩ để trốn thuế thu nhập cá nhân, ông G.Ca-uy-dắc từ chức với lý do "không muốn để vụ việc ảnh hưởng hoạt động của chính phủ". Sau nhiều tuần lễ công khai phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định mình vô tội trong các phát biểu trực tiếp trên truyền hình và tại các phiên chất vấn trước QH, đầu tháng 4 vừa qua, vị cựu Bộ trưởng này bẽ bàng thú nhận hành vi sai phạm của mình. Ông Ca-uy-dắc thừa nhận sở hữu tài khoản 600 nghìn ơ-rô tại Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ). Luật sư riêng của ông cho biết, tài khoản trên được chuyển tới Xin-ga-po năm 2009 và số tiền trốn thuế là khoảng 30 nghìn ơ-rô. Tuy nhiên, mới đây, kênh truyền hình RST của Thụy Sĩ dẫn nguồn tin ngân hàng tiết lộ rằng, ông Ca-uy-dắc đã chuyển 15 triệu ơ-rô từ Thụy Sĩ sang một tài khoản khác, lớn hơn rất nhiều so với con số 600 nghìn ơ-rô mà ông thừa nhận trước đó.
Vụ bê bối trên bị coi là "quả bom chính trị" đối với Pháp, nhanh chóng đẩy chính quyền của Tổng thống Ô-lăng-đơ vào khủng hoảng. Ông chủ điện Ê-li-dê liên tiếp gánh chịu sự chỉ trích từ nhiều phía, nhất là phe đối lập. Vụ bê bối gây tổn hại nghiêm trọng uy tín của chính quyền chưa đầy một năm tuổi của Tổng thống Ô-lăng-đơ, người đã cam kết thực hiện chính sách thuế mới công bằng và minh bạch khi mới nhậm chức. Theo kết quả các cuộc thăm dò gần đây của Viện thăm dò dư luận Pháp (IFOP), khoảng 60% số cử tri mong muốn Tổng thống cải tổ chính phủ, trong đó có 42% cử tri cánh tả.
Hơn nữa, "cơn bão chính trị" này xảy ra vào đúng thời điểm uy tín của Tổng thống Ô-lăng-đơ rơi xuống mức thấp kỷ lục, phần lớn do những thất bại trong chính sách giải quyết việc làm. Các chuyên gia nhận định, vụ việc là đòn giáng mạnh vào chính quyền của Tổng thống Ô-lăng-đơ, sẽ gây cản trở không nhỏ đối với nỗ lực của ông trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của người dân về kế hoạch ngân sách mới. Hiện nay, chỉ số tín nhiệm của Tổng thống Ô-lăng-đơ và Thủ tướng G.Ây-rôn lần lượt hạ xuống dưới 31% và 36%, mức thấp nhất kể từ khi hai nhà lãnh đạo nhậm chức vào tháng 5-2012.
Giữa thời điểm những căng thẳng chưa có dấu hiệu lắng dịu, ngày 10-4, Tổng thống Pháp tuyên bố sẽ thực hiện kế hoạch "chuẩn hóa đạo đức" giới chính trị nước này. Những sáng kiến nhằm khôi phục lòng tin đối với các quan chức nhà nước và tăng cường đấu tranh chống trốn thuế tập trung vào việc ban hành đạo luật về kê khai tài sản; thành lập cơ quan độc lập để giám sát tài sản và nguy cơ xung đột của các thành viên chính phủ, QH và các cơ quan chính quyền địa phương; thành lập văn phòng công tố viên đặc biệt để đi đầu trong đấu tranh chống tham nhũng và trốn thuế; tăng cường trừng phạt tội phạm tài chính. Thủ tướng G.Ây-rôn cho biết, ngày 15-4 là thời hạn chót để các bộ trưởng công khai chi tiết tài sản cá nhân. Ngoài ra, chính phủ sẽ đưa ra luật minh bạch tài chính áp dụng với các quan chức cấp cao khác vào ngày 24-4 tới.
Sau lời tuyên bố kiên quyết của Tổng thống Ô-lăng-đơ, sóng gió tại điện Ê-li-dê vẫn chưa thể tan. Phe chỉ trích vẫn đòi cải tổ chính phủ với lý do những biện pháp mới chưa đủ để khôi phục lòng tin. Các cuộc thăm dò dư luận vừa qua cho thấy sự bất bình lớn trong dân chúng về cách thức Chính phủ và Tổng thống giải quyết bê bối liên quan cựu Bộ trưởng Ngân sách Ca-uy-dắc. Các chuyên gia nhận định, để lấy lại niềm tin và sự ủng hộ từ người dân, chính quyền của Tổng thống Ô-lăng-đơ còn rất nhiều việc phải làm.