Quốc hội Italy chuẩn bị bầu Tổng thống

08:24, 18/04/2013

Quá trình bỏ phiếu có thể kéo dài do chưa có ứng viên thật sự sáng giá. Thế bế tắc khó giải quyết dù có bầu được Tổng thống.   

Quốc hội Italy sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu Tổng thống mới thay cho ông Giorgio Napolitano, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ hiện nay vào ngày 15/5 tới. Cuộc bỏ phiếu lần này được quan tâm đặc biệt bởi nó được kỳ vọng sẽ giải quyết bế tắc chính trị hiện nay tại Italy và thúc đẩy những cải cách cấp thiết cho hệ thống chính trị của nước này.

 

Hai viện của Quốc hội và đại diện các vùng của Italy sẽ tham gia quá trình bỏ phiếu có thể kéo dài nhiều vòng bởi chưa có ứng cử viên nào thật sự sáng giá. Nếu trong 3 cuộc bỏ phiếu đầu tiên, ứng cử viên nào giành đủ 2/3 số phiếu sẽ đắc cử tổng thống. Nếu kết quả trong 3 cuộc bỏ phiếu đầu tiên vẫn chưa rõ ràng, các vòng bỏ phiếu sau đó chỉ đòi hỏi ứng cử viên phải giành được một đa số phiếu đơn giản.

 

Cuộc bỏ phiếu bầu người kế nhiệm Tổng thống Napolitano hữa hẹn cũng không kém phần phức tạp so với kịch bản tổng tuyển cử hồi tháng 2 mà kết quả là không đảng nào giành được thắng lợi rõ ràng để thành lập chính phủ mới. Đến hôm 17/4, các cuộc thương thảo cuối cùng trước ngày bỏ phiếu vẫn diễn ra tại Hạ viện, trong đó, phe trung tả và trung hữu đều nỗ lực giành được sự ủng hộ đa số cho nhân vật mà mình đề cử.

 

Nhà phân tích James Wanster, giáo sư chính trị tại Trường đại học American University of Rome nhận định: “Nếu Italy có một Tổng thống mới thì người đó phải có khả năng thương lượng ở một vị thế mạnh mẽ. Tổng thống mới phải đủ khả năng yêu cầu giải tán Quốc hội nếu các đảng phái không chịu bắt tay nhau thành lập chính phủ. Họ vẫn có thể tìm ra một giải pháp. Nhưng những bất đồng lợi ích trong việc thành lập chính phủ cũng chính là những cản trở trong quá trình bầu Tổng thống. Và những vấn đề này không thể được giải quyết chỉ bằng cách bầu ra một Tổng thống mới.”

 

Hiện trong số những ứng cử viên tiềm năng vào chiếc ghế tổng thống Italy có hai vị cựu thủ tướng là Romano Prodi và Giuliano Amato, đều thuộc phe trung tả. Cả hai ứng cử viên này không nhận được sự ủng hộ của phe trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, vốn lâu nay vẫn đòi chức vụ tổng thống phải do phe này quyết định.

 

Đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung hữu hiện đang thúc đẩy cho hai ứng cử viên của họ là ông Berlusconi và cựu Thư ký Hội đồng Bộ trưởng Gianni Letta.

 

Trong khi đó, đảng Phong trào 5 Sao (M5S) đề cử nhà báo truyền hình Milena Gabanelli làm ứng cử viên dựa trên một kết quả bình chọn trực tuyến.

 

Giới quan sát nhận định, dù Quốc hội Italy có thể bầu ra một Tổng thống mới thì bế tắc chính trị của nước này cũng không thể được giải quyết trong một sớm một chiều. Có thể nói tại Italy đang diễn ra một cuộc “cách mạng” sắp xếp lại trật tự cân bằng quyền lực của các đảng phái, tạo nên các liên minh chính trị xã hội mới, hướng tới việc thành lập một chính phủ mới.