Quốc tế đặc biệt quan ngại tình hình bán đảo Triều Tiên

08:57, 06/04/2013

Ngày 5/4, Triều Tiên đã đề nghị Đại sứ quán các nước đóng tại Bình Nhưỡng cân nhắc khả năng sơ tán nhân viên ngoại giao trong trường hợp căng thẳng tiếp tục gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu khi đang ở thăm Uzbekistan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow sẽ làm rõ tình hình trước khi đưa ra quyết định về việc sơ tán phái Bộ Ngoại giao của nước này ở Bình Nhưỡng.

 

 

Ngoại trưởng Nga xác nhận: “Đề nghị của Triều Tiên đã được gửi đến các đại sứ quán tại Bình Nhưỡng. Hiện tại chúng tôi đang cố gắng để làm rõ tình hình và chúng tôi cũng đang liên hệ chặt chẽ với các đối tác khác như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản”.

 

Phát biểu tại Moscow, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên là không thể chấp nhận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Lukashevich nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu một cách nghiêm túc cảnh báo của Triều Tiên. Chúng tôi tin rằng không thể bắt buộc các hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên và chúng tôi không thể chấp nhận các hành động kích động quân sự. Chúng tôi mong chờ sự kiềm chế tối đa của các bên liên quan”.

 

Từ London, Bộ Ngoại giao Anh yêu cầu Triều Tiên có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho các phái bộ ngoại giao nước ngoài tại nước này, chiểu theo các điều ước quy định trong Công ước Vienna. Anh tuyên bố sẽ cân nhắc các bước đi tiếp theo, trong đó có việc đưa ra các khuyến cáo du lịch đối với các công dân Anh.

 

Cũng trong ngày 5/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết nước này đã triệu Đại sứ Triều Tiên tới để truyền đạt "quan ngại sâu sắc" của Berlin về tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Đức cho rằng những động thái căng thẳng gần đây trên bán đảo Triều Tiên là không thể chấp nhận được. Chính phủ Đức sẽ tham vấn chặt chẽ với các đối tác châu Âu cũng như cộng đồng quốc tế về cuộc khủng hoảng này, một chủ đề được cho là sẽ chi phối mạnh mẽ cuộc họp của Ngoại trưởng nhóm nước G-8 sẽ diễn ra ở London vào tuần tới.

 

Trong khi đó, Lãnh tụ Cuba Fidel Castro kêu gọi các bên, đặc biệt là Mỹ và Triều Tiên, tránh đối đầu và thực hiện nghĩa vụ đảm bảo hòa bình. Lãnh tụ Fidel nhấn mạnh chiến tranh sẽ gây ra thảm họa đối với cả người dân Triều Tiên và Hàn Quốc. Theo ông, những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay đang tạo ra thách thức lớn đối với thế giới.

 

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh phía Hàn Quốc cho biết Triều Tiên vừa triển khai tên lửa tầm trung Mudusan thứ hai tới bờ biển phía Đông và đã đưa lên bệ phóng di động cùng với quả tên lửa đầu tiên được triển khai trước đó một ngày.

 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Kim Min-seok nói: “Loại tên lửa Mudusan của Triều Tiên có thể bay chạm tới đảo Guam của Mỹ. Tầm bắn của nó từ 3.000-4.000 km. Hiện tại ở đảo Guam có một lực lượng quân sự và quân tiếp viện của Mỹ đang ở đó nhằm đối phó tình hình bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, tên lửa của Triều Tiên đang đặt chúng ta vào thế nguy hiểm”.

 

Phía lực lượng hải quân Hàn Quốc đã triển khai hai tàu khu trục đến khu vực bờ biển phía Tây và phía Đông bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Seoul cũng triển khai một hệ thống radaz chống tên lửa đất đối không “Green Pine” và máy bay do thám cảnh báo sớm "Peace Eye" để đối phó với khả năng Triều Tiên phóng tên lửa.

 

Cùng ngày, Bộ thống nhất Hàn Quốc cho biết, Seoul có thể sẽ rút công nhân khỏi khu công nghiệp chung Kaesong ở Triều Tiên trong trường hợp tình trạng của họ không còn an toàn giữa lúc căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang.