Quan hệ giữa Nga và Mỹ lại có dấu hiệu "dậy sóng" mới sau khi chính quyền Mỹ B. Ô-ba-ma (Barack Obama) công bố hôm 12-4 Danh sách các quan chức Nga mà Mỹ cho là "vi phạm nhân quyền" chiểu theo đạo luật Ma-gnít-xki, được Quốc hội Mỹ thông qua năm ngoái. Theo đạo luật Ma-gnít-xki, vốn bị Nga coi là một hành động "chính trị hóa, không thân thiện và gây phương hại đến quan hệ song phương", số người Nga trong danh sách trên sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ và các tài sản của họ ở Mỹ sẽ bị phong tỏa.
Danh sách bao gồm cả những nhân viên thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nga đã tham gia điều tra vụ luật sư Ma-gnít-xki bị chết hồi tháng 11-2009 trong nhà giam của Nga trước khi được đưa ra xét xử về tội trốn thuế. Trong khi Nga nói rằng, vị luật sư này chết do bệnh tim, phía Mỹ cho rằng nguyên nhân dẫn tới cái chết là do bị "tra tấn". Theo Ria Novosti, các quan chức cấp cao của Nga không nằm trong danh sách gồm 18 người này, thấp hơn so với con số ban đầu mà các quan chức Mỹ dự tính đưa ra là 60 người.
Biện hộ cho hành động của Oa-sinh-tơn, phát ngôn viên Nhà Trắng G. Ca-ni (Jay Carney) nói rằng, nhân quyền là một vấn đề bất đồng giữa Mỹ-Nga và “chúng tôi rất thẳng thắn về điều đó”.
Ngay lập tức, quyết định này của chính quyền Ô-ba-ma đã vấp phải chỉ trích gay gắt từ phía Mát-xcơ-va. Chủ tịch Ủy ban phụ trách quan hệ với các nước thuộc Liên Xô cũ của Đu-ma Quốc gia Nga (Hạ viện), ông L. Xlút-xki (Leonid Slutsky) cho rằng, động thái này “không mang tính xây dựng cho quan hệ song phương”. Trong khi đó, theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hạ viện Nga, A. Pu-scốp (Aleksey Pushkov), đạo luật Ma-gnít-xki thực sự đã “chôn vùi ý tưởng và quan điểm” cho cái gọi là chính sách “cài đặt lại” quan hệ Nga-Mỹ vốn được hai Tổng thống Mỹ và Nga nhất trí hồi năm 2009. “Đạo luật này có lẽ sẽ hiện diện lâu dài và chỉ làm phương hại quan hệ song phương mà thôi”, Ria Novosti dẫn lời ông A. Pu-scốp.
Theo Roi-tơ, trong thời gian qua, quan hệ giữa Nga và Mỹ vốn thường xuyên trong tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” vì nhiều vấn đề, từ bất đồng xung quanh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, đến việc Nga tố cáo Mỹ kích động các cuộc biểu tình sau khi diễn ra các cuộc bầu cử Hạ viện Nga hồi năm 2011 cũng như trước thềm bầu cử Tổng thống Nga năm ngoái, quan điểm trái chiều về giải pháp cho cuộc nội chiến tại Xy-ri, rồi việc chưa tìm được tiếng nói chung nhằm làm giảm nhiệt sức nóng trên Bán đảo Triều Tiên hay tìm lối thoát cho thế bế tắc của nhóm P5+1 và I-ran xung quanh chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran… Đạo luật Ma-gnít-xki được nhìn nhận chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa” cho mối quan hệ song phương vốn “không xuôi chèo mát mái” ấy khi hai bên liên tục có động thái trả đũa lẫn nhau. Bằng chứng là ngay khi Mỹ thông qua đạo luật Ma-gnít-xki, phía Nga cũng đã ban hành đạo luật Đi-ma Y-a-cốp-lép, mang tên một em bé người Nga bị thiệt mạng do cha nuôi người Mỹ bỏ quên em trên xe ô tô đóng kín, theo đó cấm người Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi, cấm cấp thị thực và phong tỏa tài sản đối với các công dân Mỹ bị cáo buộc vi phạm các quyền của người Nga. Và, lần này chắc chắn cũng không có ngoại lệ. Interfax dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cảnh báo rằng, việc công bố danh sách trừng phạt trên sẽ "dẫn đến những biện pháp tương tự từ phía Nga... Trách nhiệm về những hậu quả này hoàn toàn thuộc về Mỹ". Ria Novosti cho biết, Hạ viện Nga dự định sẽ sớm thông qua một đạo luật trả đũa và Nga đã có sẵn danh sách hơn 100 quan chức Mỹ sẽ được đưa vào diện cấm để đáp lại hành động của Mỹ.
Hãng tin Roi-tơ nhận định, Mỹ công bố danh sách trên vào thời điểm, được cho là, không thuận lợi vì, theo kế hoạch, vào ngày mai (15-4), Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ T. Đô-nai-lơn (Thomas Donilon) sẽ có chuyến thăm Nga để thảo luận với các quan chức cấp cao Nga về một số vấn đề an ninh, trong đó có vấn đề lá chắn tên lửa ở châu Âu. Cho dù Oa-sinh-tơn mới đây quyết định trì hoãn thực hiện giai đoạn 4 của kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD), nhưng đây vẫn là trở ngại lớn trong quan hệ giữa Nga và Mỹ bởi trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RTVi của Nga ngày 11-4, Ngoại trưởng Nga X. La-vrốp (Sergey Lavrov) nhấn mạnh, dù việc thực hiện giai đoạn 4 có bị trì hoãn thì nó vẫn nằm trong kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ. Theo Ngoại trưởng Nga, kế hoạch củng cố an ninh của châu Âu và Mỹ thông qua việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đang tạo ra nguy cơ đối với an ninh của Nga và điều này vi phạm cam kết chính trị trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO.
Như vậy, với chiêu bài nhân quyền cũ, trong trường hợp này, Mỹ không những vừa tự làm khó cho chính mình mà lại còn khiến quan hệ song phương với Nga thêm "dậy sóng". Xét trên bình diện an ninh quốc tế, rõ ràng, bất đồng giữa hai “ông lớn” Nga-Mỹ cũng sẽ không có lợi trong việc tìm kiểm giải pháp cho các điểm nóng trên thế giới.