Trung Quốc lần đầu tiên hé lộ cơ cấu của quân đội nước này

14:34, 17/04/2013

Lực lượng vũ trang của Trung Quốc gồm PLA, lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân và các lực lượng dân quân.

Ngày 16/4, Trung Quốc lần đầu tiên tiết lộ thành phần và cơ cấu của lực lượng vũ trang nước này, bao gồm cả lực lượng răn đe hạt nhân của mình, tại buổi công bố sách Trắng quốc phòng tại Bắc Kinh.

 

Sách Trắng quốc phòng 2013 là bản sách Trắng thứ 8 của Trung Quốc về quốc phòng kể từ năm 1998 đến nay. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai những số liệu và các thông tin liên quan đến cấu trúc của các lực lượng vũ trang nước này.

 

Theo sách Trắng quốc phòng 2013, lực lượng vũ trang của Trung Quốc bao gồm các thành phần là Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân và các lực lượng dân quân.

 

Thành phần của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc bao gồm lục quân, hải quân, không quân và Lực lượng pháo binh số 2 - đây là đơn vị nòng cốt của lực lượng răn đe hạt nhân Trung Quốc.

 

Lục quân Trung Quốc có 18 quân đoàn với tổng cộng 850.000 quân. Các quân đoàn này được triển khai tại 7 quân khu (MAC) là: Bắc Kinh, Thẩm Dương, Lan Châu, Tế Nam, Nam Kinh, Quảng Châu và Thành Đô.

 

Hải quân Trung Quốc bao gồm ba hạm đội là: Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải, với tổng cộng 235.000 quân.

 

Lực lượng không quân có tổng cộng 398.000 binh sĩ, và tại mỗi quân khu (MAC) đều có một Bộ Chỉ huy không quân.

 

Lực lượng pháo binh số 2 chủ yếu bao gồm các lực lượng tên lửa hạt nhân và tên lửa thông thường cũng như các đơn vị hỗ trợ. Lực lượng này "chủ yếu chịu trách nhiệm ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Trung Quốc từ các nước khác, cũng như thực hiện các cuộc phản công bằng vũ khí hạt nhân và các cuộc tấn công chính xác bằng tên lửa thông thường, "sách Trắng quốc phòng 2013 cho biết.

 

Hiện lực lượng tên lửa số 2 đang quản lý một loạt các tên lửa đạn đạo Đông Phong và tên lửa hành trình Chang Jian (Trường Kiếm).

 

Theo sách Trắng quốc phòng 2013, "Trung Quốc ủng hộ một khái niệm an ninh mới dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng và hợp tác, cũng như theo đuổi chính sách an ninh toàn diện, an ninh chung và hợp tác an ninh".

 

Tuy nhiên, sách Trắng quốc phòng 2013 cũng nhấn mạnh, Trung Quốc đang phải đối mặt với "nhiều vấn đề phức tạp và các mối đe dọa an ninh", đồng thời nhấn mạnh nhu cầu xây dựng một quân đội manh để bảo vệ sự "thống nhất quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích phát triển".

 

Trung Quốc hiện là nước có mức chi tiêu quân sự lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng 175% trong giai đoạn từ 2003 - 2012, đạt 166 tỷ USD vào năm 2012, theo số liệu mới công bố của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.