Từ lâu người ta biết đến Bangladesh là một nước có ngành công nghiệp dệt may lớn hàng nhì, ba thế giới. Thời gian gần đây, cái tên Bangladesh được cộng đồng quốc tế chú ý hơn cả sau vụ sập tòa nhà 8 tầng cách đây một tháng (ngày 24/4). Con số 1.127 người chết tuy chỉ là số liệu của một sự cố không may nhưng nó lại là minh chứng xác thực và đau lòng nhất về sinh mệnh con người bị đặt trong những điều kiện làm việc không đảm bảo.
Những con số ấn tượng
Bangladesh có khoảng 5.000 nhà máy dệt may và 3,6 triệu công nhân may. Đây là nước xuất khẩu quần áo lớn thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Italy. Bangladesh hiện là nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất vào EU - thị trường có hơn 500 triệu dân nhưng chiếm gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may toàn cầu, với hơn 250 tỷ USD trong năm 2012.
Tuy nhiên, điều kiện làm việc trong ngành công nghiệp trị giá 20 tỷ USD này rất nghiệt ngã. Mức lương tối thiểu cho công nhân may mặc ở Bangladesh là một trong những mức thấp nhất trên thế giới, với khoảng 38 USD/tháng (chưa đến 800 nghìn VND/ tháng).
Trong số các nước châu Á mạnh về xuất khẩu hàng dệt may, Bangladesh được xem là nước có giá bán rất cạnh tranh vì giá nhân công thấp. Giá nhân công bình quân ở Bangladesh thấp hơn cả Pakistan và Sri Lanka. Chính vì vậy, Bangladesh đã trở thành một trong những đối thủ cạnh tranh lớn của các nước trong khu vực vì nhân công giá rẻ.
Bên cạnh đó, trong số 3,6 triệu công nhân may thì có tới 85% là phụ nữ. Họ phải làm việc liên tục trong 14-16 giờ mỗi ngày. Nhưng chưa hết, ngoài vấn đề lương thấp và số giờ làm nhiều, công nhân may ở Bangladesh còn phải đối mặt với nguy cơ mất mạng bất cứ lúc nào vì an toàn lao động quá kém. Theo Tổ chức chống đói nghèo WOW (Anh), bên cạnh việc không đảm bảo chất lượng công trình (như tòa nhà Rana Plaza bị sập tháng trước), hầu hết các xưởng may ở Bangladesh đều không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy. Kể từ năm 2005 đến nay, ít nhất 1.800 công nhân may mặc đã thiệt mạng trong các vụ cháy nhà xưởng và các vụ sập nhà ở Bangladesh.
Tính đến ngày 13/5, khi công tác cứu hộ cứu nạn sau vụ sập nhà 8 tầng ở ngoại ô Dhaka kết thúc, con số thiệt mạng lên tới 1.127 người. Sự việc đáng tiếc này xảy ra khi các ông chủ xưởng may đã phớt lờ lời cảnh báo có vết rạn nứt của bức tường tòa nhà trước đó vài ngày. Vào buổi sáng định mệnh 24/4/2013, hơn 3000 người dân Bangladesh vẫn đến tòa nhà Rana Plaza để làm việc. Và chỉ hơn một giờ đồng hồ sau đó, có ít nhất 1.127 người trong số đó đã vĩnh viễn không bao giờ trở về nhà!
Cần thiết một môi trường làm việc an toàn hơn cho người lao động
Cô Reshma Begum – người công nhân may đã sóng sót diệu kỳ sau 17 ngày bị vùi dưới đống đổ nát của tòa nhà ngày 13/5 cho biết: "Tôi sẽ không bao giờ làm việc trong nhà máy may nữa". Phản ứng quyết liệt của người phụ nữ này cho thấy, môi trường làm việc đã thực sự là nỗi ám ảnh đối với những người công nhân may. Nếu như những lời cảnh báo về sự rạn nứt của các bức tường được lưu tâm, nếu như sự an toàn đối với công nhân được đề cao hơn nữa thì có lẽ sự việc đáng tiếc trên sẽ không xảy ra. Chứng kiến cái chết của hàng nghìn đồng nghiệp và phải chống trả quyết liệt với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết trong vòng 17 ngày dường như đã khiến nữ công nhân này không còn đủ sức lực để tiếp tục.
Mặc dù chủ sở hữu Rana Plaza và 8 người khác, trong đó có chủ sở hữu các nhà máy may mặc, đã bị giam giữ để phục vụ điều tra, nhưng hàng nghìn mạng sống thì sẽ không thể lấy lại được nữa. Đây cũng sẽ là bài học đắt giá cho những ông chủ xưởng may, những nhà quản lý ngành dệt may Bangladesh trong thời gian tới.
Theo các nhà chức trách Bangladesh, chủ sở hữu tòa nhà đã xây thêm tầng bất hợp pháp và cho phép các nhà máy lắp đặt các thiết bị nặng vượt quá tiêu chuẩn thiết kế của tòa nhà.
Sau vụ việc kể trên, làn sóng phản đối những điều kiện làm việc khắc khổ đối với công nhân Bangladesh đã nổ ra. Người biểu tình yêu cầu những quyền lợi tốt hơn đối với công nhân may. Trước bối cảnh này, ngày 12/5, Bộ trưởng Dệt may Bangladesh Abdul Latif Siddique cho biết nước này đã thành lập một ủy ban có nhiệm vụ tăng lương tối thiểu cho hơn 3 triệu công nhân ngành may mặc. Ủy ban này sẽ gồm các đại diện của công đoàn và giới chủ xưởng may.
Quyết định trên đưa ra nhằm phần nào xoa dịu những thiệt thòi, mất mát mà bản thân những công nhân may và gia đình của họ phải trải qua trong thời gian qua. Điều kiện làm việc nghèo nàn, mức lương chưa tới 40 USD/tháng và cao điểm là vụ việc hôm 24/4 đã thực sự là giọt nước làm tràn ly những bất bình của người lao động nghèo nước này.
Chính phủ Bangladesh cũng đã thông báo thành lập một ủy ban cấp cao có nhiệm vụ kiểm tra chất lượng xây dựng của hàng nghìn xưởng may trên toàn quốc do lo ngại các công ty nước ngoài sẽ không đặt hàng may mặc của Bangladesh sau một loạt vụ tai nạn chết người mới đây trong ngành may mặc của nước này.
Vụ sập nhà khiến hàng nghìn người thiệt mạng cách đây một tháng được coi là thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất ở Bangladesh. Đây cũng là một tiếng chuông cảnh báo không chỉ với ngành dệt may Bangladesh mà còn đối với nhiều nước có điều kiện làm việc còn yếu kém cho công nhân, để sẽ không có những vụ việc gây thiệt hại lớn về người và của xảy ra như đối với tòa nhà Rana Plaza.