Bước đi mới trong quan hệ Mỹ - Mi-an-ma

08:02, 22/05/2013

Tổng thống Mi-an-ma Thên Xên đang có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ mang tính bước ngoặt giữa hai nước. Chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Mi-an-ma tới Mỹ trong 47 năm qua này được thực hiện chỉ sáu tháng sau chuyến thăm lịch sử trước đó của người đứng đầu Nhà trắng B.Ô-ba-ma cho thấy cường độ mạnh mẽ mà lãnh đạo hai nước thể hiện nhằm tạo lập quan hệ lâu dài giữa Mỹ và Mi-an-ma.

Thông báo của Nhà trắng cho biết, trong cuộc hội đàm tại Oa-sinh-tơn, lãnh đạo Mi-an-ma và Mỹ đã thảo luận về việc tiếp tục đẩy nhanh lộ trình cải cách mở cửa, hòa giải dân tộc, ngăn chặn tình trạng bạo lực tại Mi-an-ma cũng như đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

 

Ông Thên Xên ca ngợi mối quan hệ giữa Mỹ và Mi-an-ma đã và đang được cải thiện nhanh chóng, đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi nước. Theo các nhà quan sát, động lực chủ yếu tạo sự thay đổi rõ rệt và nhanh chóng ấy cho hai nước có được nhờ chính sách "trở lại châu Á - Thái Bình Dương" của chính quyền Ô-ba-ma với những nỗ lực cải cách chính trị, kinh tế, xã hội mà chính quyền Thên Xên đã và đang tiến hành trong ba năm qua.

 

Trên cơ sở kết quả cải cách ở Mi-an-ma, chính quyền Ô-ba-ma đã bãi bỏ phần lớn các biện pháp trừng phạt, bao vây cấm vận từng áp đặt đối với quốc gia Ðông - Nam Á này trong những năm 90 của thế kỷ trước. Trong chuyến thăm này, Nhà trắng cam kết viện trợ 170 triệu USD trong hai năm tới nhằm thúc đẩy lộ trình cải cách ở Mi-an-ma.

 

Về phần mình, Tổng thống Thên Xên cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách, song ông cũng bày tỏ với phía Mỹ rằng Mi-an-ma đang phải đối mặt nhiều khó khăn thách thức trong nước. Ðó là tỷ lệ nghèo đói cao, vấn đề việc làm, lĩnh vực giáo dục, thương mại, đầu tư, tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc ở một quốc gia có nhiều sắc tộc cùng chung sống...

 

Ðặc biệt với vấn đề sắc tộc, kể từ khi Tổng thống Thên Xên đề xuất hòa bình với các nhóm vũ trang thiểu số hồi tháng 8-2011 đến nay, đã có 10/11 nhóm vũ trang thiểu số ký thỏa thuận hòa bình sơ bộ với chính phủ ở cấp bang hoặc cấp trung ương. Mặc dù vậy, tiến trình này còn phức tạp và đòi hỏi thêm nhiều thời gian và nỗ lực. Mi-an-ma mong nhận được sự ủng hộ của phía Mỹ nhằm vượt qua những thách thức trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.

 

Mỹ và Mi-an-ma cũng đã ký Hiệp định khung về thương mại và đầu tư, theo đó Mỹ tiếp tục bãi bỏ lệnh trừng phạt đối với Mi-an-ma và nghiên cứu những mặt hàng có thể nhập khẩu từ nước này, nhằm tăng kim ngạch thương mại giữa Mi-an-ma và Mỹ trong những năm trước mắt.

 

 Có vị trí địa chiến lược quan trọng, nằm ở khu vực Ðông - Nam Á, cửa ngõ vào Ấn Ðộ và Trung Quốc, lại thêm ưu điểm nổi trội là có nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, với chính sách cởi mở mà chính quyền Thên Xên thực hiện kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đang đưa Mi-an-ma trở thành "điểm đến" của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

 

 Về chính trị, Mi-an-ma đang chuẩn bị đảm nhận trọng trách nước Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN) vào năm 2014. Với ý nghĩa đó, Oa-sinh-tơn sẵn sàng chào đón Tổng thống Mi-an-ma Thên Xên; Ðồng thời coi đây là cơ hội nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác giữa Mỹ và ASEAN đang trên đà phát triển.