Bước tiến mới trong quan hệ Nga-Nhật

08:09, 03/05/2013

Lần đầu tiên kể từ năm 2003, một Thủ tướng Nhật Bản đã thăm chính thức Nga vào cuối tháng 4 vừa qua. Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê (S. Abe) được đánh giá là tạo bước tiến mới thúc đẩy quan hệ giữa Tô-ki-ô và Mát-xcơ-va trong bối cảnh quan hệ hai bên còn tồn tại bất đồng.

Tăng cường hợp tác năng lượng và đầu tư, khai thông thế bế tắc trong vấn đề lãnh thổ là những hành trang chủ yếu mà ông S.A-bê mang theo mình trong chuyến công du tới Nga.

 

Trên thực tế, việc mở rộng quan hệ song phương giữa xứ Phù Tang và xứ Bạch Dương đều đóng vai trò quan trọng đối với mỗi bên. Theo Giáo sư S.Ha-ca-ma-đa (S.Hakamada) tại Trường Đại học Niigata, quan hệ hữu hảo với Nga sẽ mang lại lợi ích to lớn về mặt an ninh đối với Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc và Hàn Quốc liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và vấn đề lịch sử để lại. “Với Nhật, việc có một mối quan hệ tốt với Nga là rất quan trọng khi tình hình quan hệ với các quốc gia láng giềng đang không thuận lợi”, Japan Times dẫn lời chuyên gia S. Ha-ca-ma-đa.

 

Bên cạnh đó, với kho tài nguyên thiên nhiên phong phú, một thị trường đang phát triển mạnh, Nga là cơ hội không thể bỏ qua của các nhà đầu tư Nhật Bản, chưa kể đến dầu lửa và khí đốt thiên nhiên của vùng Viễn Đông luôn có ý nghĩa chiến lược với một Nhật Bản vốn nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhất là trong bối cảnh Tô-ki-ô đang cần phải đa dạng hóa nguồn năng lượng của mình sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Theo Japan Times, hiện Tô-ki-ô đang mua 9,5% sản lượng khí đốt từ Mát-xcơ-va.

 

Về phần mình, thúc đẩy hợp tác với một cường quốc kinh tế, công nghệ, kỹ thuật như Nhật Bản có ý nghĩa không kém quan trọng với Nga, nhất là trong bối cảnh Mát-xcơ-va đang thực hiện cải cách trên nhiều lĩnh vực. Theo Bloomberg, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga ở châu Á (sau Trung Quốc) với giá trị thương mại đạt 32 tỷ USD trong năm 2012. Mặt khác, Nga cũng mong muốn Nhật Bản mua thêm khí đốt của mình bởi ngành năng lượng Nga đang phải đối mặt với khó khăn do nhu cầu khí đốt ở châu Âu sụt giảm vì khủng hoảng kinh tế, trong khi Mỹ đang tăng cường bán khí đốt đá phiến giá rẻ cho châu Âu. Vì vậy, hợp đồng khí đốt với Nhật Bản luôn là nhân tố quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường khí đốt của Nga tại châu Á.

 

Dẫu biết được những lợi ích thiết thực to lớn ấy, thế nhưng quan hệ Tô-ki-ô và Mát-xcơ-va trong thời gian qua vẫn thường xuyên bị cản trở bởi “hòn đá tảng” mang tên quần đảo Kuril (theo cách gọi của Nga) hay lãnh thổ phương Bắc (theo cách gọi của Nhật Bản), vốn là nguyên nhân khiến 2 bên chưa ký kết hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Hiện Nga sở hữu 4 đảo với khoảng 16.500 người Nga đang sinh sống, trong khi Nhật xem đây là lãnh thổ của họ. Theo các nhà phân tích, chính vì những căng thẳng xung quanh “hòn đá tảng” này mà trong 10 năm qua, mặc dù đã nhiều lần thay đổi Thủ tướng nhưng chưa có nhà lãnh đạo Nhật Bản nào tới thăm Điện Crem-li. Vì vậy, theo như nhận định của ông V.Pa-vli-a-ten-cô (V. Pavlyatenko) thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Nga: “Bông hoa đàm phán” đã bị “héo” trong 10 năm qua. Do đó, điều cần thiết là phải tưới cho “bông hoa” đó tươi tắn trở lại”. Gần đây, Thủ tướng S. A-bê đã bày tỏ dấu hiệu hàn gắn hơn với Nga so với những người tiền nhiệm, bằng chứng là hồi tháng 2 vừa qua, ông S.A-bê từng phát biểu rằng, muốn tìm một “giải pháp có thể chấp nhận cho cả 2 bên” xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản.

 

Kết quả là, theo Ria Novosti, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga V. Pu-tin (V. Putin), hai bên đã ký kết khoảng 20 văn kiện hợp tác kinh tế, ký bản ghi nhớ về trao đổi thông tin giữa các cơ quan tình báo tài chính nhằm đấu tranh chống rửa tiền và khủng bố. Ngoài ra, hai bên còn đạt được nhận thức chung nhất định trong các vấn đề quốc tế nóng như tình hình bán đảo Triều Tiên, nhấn mạnh cần phải nhanh chóng đưa tình hình trên bán đảo Triều Tiên ổn định trở lại thông qua con đường chính trị và ngoại giao…

 

Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ quyết tâm vượt qua "những khác biệt hiện nay", nhất trí xúc tiến các cuộc đàm phán để đi đến việc ký kết một hiệp ước hòa bình, dựa trên tất cả các văn bản và thỏa thuận đã được thông qua trước đây. Mặc dù chưa có đề xuất cụ thể nào về giải pháp giúp chấm dứt tình trạng bế tắc hiện nay giữa hai nước, bởi lẽ “không thể giải quyết mọi chuyện ngay trong ngày mai khi vấn đề này vẫn chưa được giải quyết trong 67 năm qua”, thế nhưng, “ít nhất chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác giải quyết vấn đề phức tạp này, một vấn đề quan trọng với cả hai bên", ông V. Pu-tin nhấn mạnh.

 

Như vậy, xét một cách tổng thể, ông S.A-bê đã đạt được những mục tiêu đặt ra trước chuyến đi một cách trọn vẹn. Chuyến thăm không chỉ tạo ra một sự khởi đầu mới trong cuộc đàm phán tiến tới ký hiệp ước hòa bình giữa Nhật Bản và Nga, mà còn tạo xung lực trong việc đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư, năng lượng… lên bước phát triển mới.