Thủ tướng Anh David Cameron vừa kết thúc chuyến thăm tới hai cường quốc hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ với "hành trang" gồm hai vấn đề chính: Thảo luận chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển (G-8), dự kiến diễn ra vào tháng 6 tại Bắc Ireland và thống nhất đối sách với cuộc khủng hoảng Syria thời gian tới.
Với vai trò chủ tịch luân phiên và là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G-8, ông chủ tòa nhà số 10 phố Downing ở London thực hiện sứ mệnh thúc đẩy hợp tác thương mại Liên minh Châu Âu (EU) - Nga trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên có phần chững lại kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhậm chức cách đây một năm. Trên thực tế, về hình thức, quan hệ giữa Mátxcơva và EU là song phương, nhưng thực chất lại là quan hệ đa phương giữa Nga và 27 nước thành viên EU, nên sự va chạm lợi ích là khó tránh khỏi. Ngoài ra, những bất đồng trong lập trường về các vấn đề quốc tế khiến quan hệ hai bên nhiều lần rơi vào tình trạng căng thẳng. Ngay cả trong hợp tác năng lượng, giữa Nga và EU vẫn còn nhiều khúc mắc đã trở thành chủ đề trọng tâm tại các kỳ họp cấp cao hai bên. Tuy nhiên, cả EU và Nga vẫn rất cần nhau để bảo đảm những lợi ích kinh tế.
Còn với Washington, chuyến đi của ông D.Cameron có ý nghĩa quyết định nhằm đưa lộ trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) EU - Mỹ đi đúng hướng để có thể ký kết thỏa thuận đầu tiên vào cuối năm 2014. Trong bối cảnh nền kinh tế ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang gặp khó vì khủng hoảng tài chính thì để lộ trình FTA Anh - Mỹ không lệch hướng có vai trò quan trọng trong cuộc tìm kiếm tăng trưởng của cả hai nền kinh tế không thể thiếu nhau này. Theo dự kiến của Ủy ban Châu Âu (EC), FTA có thể thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của EU tăng thêm 0,5% (116 tỷ USD) và của Mỹ khoảng 0,4% (87 tỷ USD) vào năm 2027. Tuy nhiên, để hoàn tất tiến trình đàm phán FTA trong vòng hai năm, các nhà đàm phán Mỹ và EU sẽ phải "giải mã" nhiều ẩn số gai góc, nhất là những khác biệt trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp mà cả hai đều khó chấp nhận sự thua thiệt. Ngoài ra, Mỹ còn lo ngại thuế giao dịch tài chính của Châu Âu sẽ áp đặt với các chủ nợ thế chấp mới trong giao dịch tài chính ở 11 nước Châu Âu, kể cả Đức và Pháp. Vì thế, đây là nội dung được Thủ tướng D.Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama ưu tiên bàn thảo.
Bên cạnh chủ đề về thương mại, trong chuyến công du tới Nga và Mỹ lần này, Thủ tướng D.Cameron muốn thể hiện rõ hơn vai trò và ảnh hưởng của Anh trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh, chính trị tại Syria. Hiện tại, kế hoạch bao vây, lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad do Anh - Pháp khởi xướng đang có những diễn biến vượt ngoài tầm kiểm soát, khiến uy tín của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng D.Cameron giảm sút. Do đó, ông D.Cameron phải gạt các bất đồng trước đây với Nga để gặp Tổng thống V.Putin và sử dụng "mối quan hệ đặc biệt" với Mỹ nhằm giành vị thế của nước Anh tại hội nghị quốc tế về một giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria mà ngoại trưởng Nga - Mỹ vừa đạt được hồi tuần trước.
Trên tất cả, theo nhiều nhà phân tích, sự kiện Thủ tướng Anh D.Cameron cùng lúc đến thăm hai quốc gia hàng đầu thế giới là nhằm lấy lại uy tín vốn suy giảm sau khi London đưa ra những quyết định bị cho là gây chia rẽ EU liên quan tới khủng hoảng nợ. Đặc biệt, việc Thủ tướng D.Cameron đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý về số phận của Anh trong EU vào năm 2017 khiến "chú Sam" và nhiều lãnh đạo ở Cựu lục địa mếch lòng. Bởi London không chỉ là một trụ cột của ngôi nhà chung 27 thành viên mà còn là mắt xích quan trọng nhất duy trì mối quan hệ sống còn giữa Mỹ và EU. Nếu không nhận được sự ủng hộ từ những thành viên đáng nể như Nga và Mỹ, Thủ tướng D.Cameron khó có thể "vững tay chèo" trong vai trò Chủ tịch G-8 khi thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh của tổ chức này do Anh đăng cai đang tới gần và xứ Sương mù hẳn rất cần một dấu ấn tốt đẹp để tạm quên những khó khăn nội tại.