Với việc đưa vào áp dụng chính sách cho tư nhân thuê lại các cơ sở kinh doanh nhỏ của Nhà nước từ năm 2010, đến nay, Chính phủ Cuba đã cho thuê hơn 2.000 địa điểm kinh doanh thuộc 47 hoạt động kinh tế được cấp phép, tập trung chủ yếu vào các hoạt động cắt tóc, làm đầu, sửa chữa đồng hồ, sửa chữa giày dép và bãi trông giữ ô tô.
Theo chính sách trên, các cá nhân có đủ điều kiện sẽ được Nhà nước cho thuê lại mặt bằng kinh doanh trong thời hạn 10 năm, được tự tổ chức và sắp xếp lại cơ sở kinh doanh, bỏ vốn đầu tư cơ sở vật chất và tự thanh toán các loại dịch vụ. Chính phủ Cuba thừa nhận mô hình quản lý ngoài quốc doanh này đã tạo điều kiện cho các cá nhận tự chủ trong hoạt động quản lý và hạch toán, nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện mức thu nhập và tạo động lực mới cho người lao động.
Thống kê chính thức của Cơ quan cung cấp dịch vụ nhân sự và kỹ thuật của Bộ Nội thương (MINCIN) Cuba cho thấy, trong 3 năm áp dụng chính sách này, Nhà nước đã thu được 40,4 triệu peso (khoảng 1,6 triệu USD) tiền cho thuê các cơ sở kinh doanh. Trong khi đó, thu nhập của những người làm việc tại các cơ sở này cũng tăng đáng kể, thậm chí có người hằng tháng thu nhập lên đến 1.000 peso, cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu khoảng 255 peso mà Nhà nước trả cho người lao động trước đây tại chính những cơ sở dịch vụ này.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà các chủ cơ sở dịch vụ này phải đối mặt là sự thiếu vắng các cửa hàng bán buôn khiến họ rất vất vả để tìm kiếm nguồn vật liệu, đồ thay thế phục vụ công việc kinh doanh. Ngoài ra, mức thuế phải trả hằng tháng hiện vẫn ở mức cao so với doanh thu cũng là một gánh nặng đối với những người tham gia thành phần kinh tế tự doanh cho dù chính phủ đã cam kết sẽ có những điều chỉnh trong chính sách thuế cho phù hợp với tình hình thực tiễn.