Chính phủ liên minh mới được thành lập ở I-ta-li-a dễ dàng vượt qua các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại QH đã phát đi những tín hiệu lạc quan, không chỉ với chính trường Rô-ma, mà cả châu Âu. Tuy nhiên, còn nhiều sóng gió đang chờ đợi tân Thủ tướng E.Lét-ta, khi I-ta-li-a đối mặt hàng loạt vấn đề cấp bách về chính trị, kinh tế và xã hội.
Tháng 2 vừa qua, hơn 47 triệu cử tri I-ta-li-a đi bỏ phiếu bầu QH mới, cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nước này đang phải nỗ lực giải quyết các khó khăn về kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, không liên minh nào giành đủ số phiếu cần thiết để đứng ra thành lập chính phủ, khiến tình trạng bế tắc chính trị ở I-ta-li-a càng trầm trọng. Liên minh trung tả với đảng Dân chủ (PD) là nòng cốt giành nhiều phiếu bầu nhất, nhưng không đủ để kiểm soát Thượng viện. Trong khi tại I-ta-li-a, để thành lập được một chính phủ ổn định, đảng hoặc liên minh chính đảng phải kiểm soát đa số ghế tại cả Hạ viện và Thượng viện. Giải pháp liên kết giữa các đảng cũng thất bại khi những đảng có số phiếu bầu cao là PD, Phong trào Năm sao (M5S) và đảng Nhân dân Tự do (PDL) không thể hòa giải. PD một mực từ chối thành lập đại liên minh với phe trung hữu của cựu Thủ tướng X.Béc-lu-xcô-ni, trong khi M5S kiên trì bác bỏ khả năng liên minh với bất cứ chính đảng nào.
Tình trạng chính trường bế tắc kéo dài gần hai tháng qua có hy vọng được khai thông, khi Tổng thống đương nhiệm G.Na-pô-li-ta-nô chấp nhận ghé vai gánh vác thêm một nhiệm kỳ bảy năm nữa. Chính phủ liên minh mới được thành lập do Thủ tướng được chỉ định E.Lét-ta đứng đầu, được đánh giá là một động thái tích cực, mang đến tia hy vọng mới cho bầu không khí chính trị u ám tại I-ta-li-a. Ðây là chính phủ "trẻ tuổi" và đa dạng nhất về thành phần đảng phái trong lịch sử gần đây tại quốc gia bên bờ Ðịa Trung Hải này. Ngoài thành viên trong chính phủ thuộc liên minh trung tả của ông Lét-ta, còn có sự tham gia của ba chính đảng khác và bốn bộ trưởng là những nhà kỹ trị độc lập. Chính phủ mới của I-ta-li-a được xây dựng trên nền tảng giao phó những vị trí then chốt cho các chính trị gia giàu kinh nghiệm, đồng thời đón thêm làn gió mới từ những thành viên trẻ tuổi.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, trước mắt chính phủ của tân Thủ tướng Lét-ta là một hành trình đầy chông gai, mà thách thức lớn nhất là giải quyết những khó khăn về kinh tế. Rô-ma hiện trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất trong 20 năm trở lại đây. Nền kinh tế I-ta-li-a chỉ tăng trưởng chưa đầy 0,5%/năm trong mười năm qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên đến 11,6%. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nước này có thể tăng trưởng âm 1,5% năm nay, so mức dự báo âm 1% trước đó. I-ta-li-a cũng là một "con nợ khổng lồ" với nợ công ở mức 127% GDP, chỉ xếp sau Hy Lạp trong Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone). Mới đây, Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s duy trì xếp hạng nợ công của Rô-ma ở mức Baa2, với triển vọng tiêu cực. Cơ quan này cũng nâng dự báo suy giảm của nền kinh tế I-ta-li-a năm 2013 từ 1% lên 1,3%.
Trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế ốm yếu của I-ta-li-a, chính phủ mới của tân Thủ tướng Lét-ta nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là giải quyết nạn thất nghiệp, tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hạn chế dựa vào các biện pháp khắc khổ để giải quyết khủng hoảng nợ. Ðồng thời, ông cam kết chống tham nhũng, bài trừ nạn quan liêu, nhằm khôi phục niềm tin của người dân vào chính phủ, sau các vụ việc bê bối cá nhân một số chính trị gia. Ngoài ra, Thủ tướng Lét-ta khẳng định, sẽ nhanh chóng thực hiện những cải cách quan trọng như luật bầu cử, nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài như sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra tháng 2 vừa qua. Ông Lét-ta tuyên bố sẽ từ chức nếu chính phủ mới không đạt được những cam kết cải cách trong 18 tháng tới.