28 tuổi kế nghiệp dòng họ đế vương. Kim Jong - un còn quá trẻ và dường như chưa có kinh nghiệm trị quốc. Khi người cha trao quyền lực, dư luận đồn đoán rằng trên sân khấu chính trị Kim Jong - un chỉ đóng vai trò như một vai diễn, hậu thuẫn đằng sau ông ta là các nhân vật cao cấp thân cận với gia tộc họ Kim và người thân trong gia đình giữ các trọng trách lớn của quốc gia. Dĩ nhiên đó chỉ là suy đoán theo cảm tính thông thường, bởi thực tế trong lịch sử thế giới có rất nhiều nhân vật tuổi trẻ nhưng họ thực sự có tài năng thiên bẩm hoàn thành xuất sắc việc trị quốc.
Sự sùng kính lãnh tụ của dân Triều Tiên ví tựa như những con chiên ngoan đạo phụng thờ đức tin tôn giáo. Phả hệ gia tộc dòng họ Kim với công lao và quyền lực lẫy lừng để lại trong lòng dân sự yêu kính vô bờ. Bóng người ông Kim il Sung, bóng người cha Kim Jong - il trùm lợp cả đất nước. Hậu sinh có thực tài mới có thể viết tiếp trang sử huy hoàng của gia tộc mà lịch sử Triều Tiên đã chọn. Kế vị ghế nguyên thủ quốc gia, Kim Jong-un - vị lãnh tụ tối cao này thật là mạnh bạo trong các phát ngôn về đối nội, đối ngoại và trong hành xử, chấp chính công việc. Không ít lần đã làm cho cả thế giới bất ngờ, chứng kiến điều ngạc nhiên này đến điều ngạc nhiên khác. Trên các trang báo mạng, trên truyền hình nhìn ông có dáng dấp bề thế, oai nghiêm, đĩnh đạc tự nhiên với phong thái của một lãnh tụ mà không hề có vẻ ông ta cố ý tạo ra.
Những tuyên bố cứng rắn, những hành động cứng rắn, dứt khoát của ông làm cho thế giới phần nào vị nể (và không ít người loại trừ ra khỏi trong đầu mình tâm lý khi đánh giá tuổi trẻ ít kinh nghiệm). Kim Jong -un đã có quyền tối thượng, dĩ nhiên thực tế lịch sử chứng minh rằng chỉ có quyền không thôi thì chưa đủ, ông cần phải có uy lực - mà uy lực thì phải bằng tài năng, bằng việc sử dụng quyền lực của mình một cách hiệu quả để thực hiện thành công các mục tiêu. Uy phải xuất phát từ tài năng, chừng nào các phẩm chất về quyền, uy, tài đồng hành trong một con người thì con người ấy mới thực sự có sức mạnh vượt trội - cá nhân trở thành điểm tựa tinh thần, ý chí cho quốc gia, dân tộc.
Thế giới kinh ngạc, không ai tưởng tượng nổi là Kim Jong-un đã đưa ra những tuyên bố gay gắt với Trung Quốc (nước láng giềng khổng lồ và là chỗ dựa chính của Triều Tiên) là ân nhân láng giềng vĩ đại (với tư cách là Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc) đã mặc nhiên chấp thuận việc Liên Hợp Quốc ban hành Nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân vào tháng 2 vừa qua, thế rồi Triều Tiên phớt lờ những lời khuyên (hoặc không xin ý kiến của Trung Quốc) về việc từ ngày 22 đến 24/5, phóng hàng chục quả tên lửa (Triều Tiên cho đó là tập trận), thế rồi người Triều Tiên bắt ngư dân Trung Quốc và đòi tiền chuộc…Những việc làm đó cơ hồ như một sự phạm huý hy hữu trong lịch sử hiện đại, cách hành xử như vậy với nước láng giềng thân cận dường như chưa bao giờ xảy ra đối với các bậc tiền bối. Ở những khía cạnh như vậy có thể khẳng định Kim Jong -un là nhân vật thực sự có bản lĩnh và có quyền uy kể cả trong đối nội và đối ngoại.
Đại ân nhân Trung Quốc chắc chắn không thể nào vừa lòng trước một “người đàn em khó bảo” đã là khó bảo thì chắc chắn là rất khó chịu, nhưng lại là vấn đề rất khó xử. Vì sao khó xử? Mặc nhiên Trung Quốc không bỏ được Triều Tiên - vì đặc thù địa chính trị của nước này. Nếu giả sử Triều Tiên ly khai khỏi ảnh hưởng Trung Quốc, thì chúng ta có thể suy đoán ra rằng Trung Quốc lại có thêm một nước liền kề chung đường biên giới không thuận theo vòng ảnh hưởng chi phối của họ. Trung Quốc không muốn Triều Tiên quá suy yếu và chắc chắn lại không muốn Triều Tiên quá mạnh, tự lực, tự cường - đến mức độ khó bảo và bảo không nghe và sợ nhất có lẽ là Triều Tiên sở hữu hạt nhân, và làm chủ được công nghệ vũ khí hạt nhân cùng với một lãnh tụ trẻ tuổi có dấu hiệu ly khai giữ trong tay quyền tấn công hạt nhân và sở hữu một lực lượng quân sự hùng mạnh.
Sau chuyện phạm huý đó Triều Tiên đã chủ động xuống nước. Kim Jong-un đã phái Choe Ryong-hae Chủ nhiệm tổng cục chính trị sang Trung Quốc đàm đạo. Dư luận người thì cho rằng Triều đang gặp nạn đói nên sang xin lương thực, nào là xoa dịu quan hệ sứt mẻ, nào là bàn chuyện đàm phán những căng thẳng trên bán đảo… Dư luận phỏng đoán về các vấn đề bàn thảo, nhưng chắc chắn rằng nội dung của cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Trung Quốc không thể không đề cập đến những việc làm tỏ ra bất hảo đối với Trung Quốc của Triều Tiên trong thời gian qua.
Dư luận đánh giá Triều Tiên theo nhiều chiều khác nhau, đặc biệt báo chí phương Tây luôn tỏ ra mặc cảm chỉ trích chế độ Bình Nhưỡng và coi Triều Tiên là một quốc gia nghèo nàn lạc hậu. Nhưng nếu ở một quốc gia thực sự đói nghèo và lạc hậu thì lẽ nào lại có thực lực tài chính để xây dựng hạ tầng giao thông, nhà cửa khang trang, hiện đại, đâu có nguồn lực nghiên cứu khoa học, chế tạo được vệ tinh, sản xuất được hạt nhân, nhiều loại vũ khí, khí tài và nhiều sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao khác?
Có thể còn có nhiều điều lý thú ở đất nước này mà người ta chưa khám phá hết được. Trên một tờ báo đăng ảnh và lời nhận xét của nhà báo Anh tên là Jeremy Hin ter về Triều Tiên với lòng cảm kích và những ấn tượng tốt lành, khi ông ta được chứng kiến 100 nghìn người là diễn viên, công chúng thực hiện đồng diễn xếp các bức tranh nghệ thuật khổng lồ, biến ảo hình ảnh, sắc màu ca người lãnh tụ, tổ quốc, phong cảnh… trên sân vận động và trên khán đài trong một đại lễ quốc gia ở thủ đô Bình Nhưỡng, ông viết: “Thật kỳ diệu, từng hơi thở của những người biểu diễn như phối hợp với nhau một cách ngoạn mục”. Nhà báo 69 tuổi đời, 35 năm tuổi nghề này đã đi 65 quốc gia của cả 5 châu lục đã phải thốt lên: Đây là một trong những cảnh tượng kỳ diệu nhất mà tôi từng thấy”.